Cha mẹ ưa khoe con là lẽ bình thường. Ước vọng và hãnh diện có con cái thành tài lại càng bình thường hơn dẫu hầu hết phụ huynh đều biết chẳng ai đoán được chuyện tương lai. Làm sao để biết con mình có phải là “thần đồng”, các chuyên gia tâm lý gia đình sẽ giúp bận nhận biết các phẩm chất mà trẻ sở hữu dưới đây.
![]() |
Những trẻ có tố chất "thần đồng" thường giải qiuye6t1 vấn đề không giống ai. Ảnh: IT |
Trẻ nói sớm và diễn đạt trơn tru
Nhiều ông bố bà mẹ thường lo lắng khi con mình chậm biết nói hơn so với lũ trẻ nhà người khác. Đó là những lo lắng không phải không có cơ sở. Vì theo thống kê, các bé nào trạc tuổi từ 1 đến 1 tuổi rưỡi mà biết nói liền câu, biết thể hiện rõ ràng những ý nghĩ và mong muốn của mình, đứa trẻ ấy rất có tiềm năng là thần đồng nhí.
Trẻ thích hỏi
Lớn lên một chút, các cô cậu bé đặc biệt này sẽ “tấn công” dồn dập người lớn với hàng loạt câu hỏi, vừa bình thường vừa “quái ác”. Đặc biệt, chúng không chỉ hỏi mà còn nhớ rất sâu những câu trả lời của người lớn, đôi khi còn biết phân tích, phản bác chứ không thụ động chấp nhận thông tin. Các bé còn có khả năng khai thác tốt kiến thức từ sách vở, mạng internet, ngoài cộng đồng, xã hội, đồng thời nhớ lâu và xử lý tốt kho kiến thức đã tiếp thu.
Giải quyết vấn đề không giống ai
Trong khi trẻ bình thường cố gắng thực hiện công việc theo khuôn mẫu có sẵn, trẻ thiên hướng tài năng lại có thói quen, hay nói đúng hơn là từ bản năng, ưa tìm cách giải quyết vấn đề không giống ai, có khi hoàn toàn phi tiêu chuẩn, không như cách nghĩ bình thường của đại đa số đám đông. Chính linh cảm trời phú chứ không phải kết quả từ trải nghiệm sàng lọc đã dẫn dắt chúng hành động. Nghĩa là ở chúng, đã phảng phất hình bóng của những Archimede, Newton hay Edison huyền thoại, sẵn sàng chờ lúc hét to từ “Eureka”.
Sở hữu những “mặt trái”
Bất kỳ bố mẹ nào phát hiện sớm con mình có những phẩm chất kể cũng đều vui mừng và hạnh phúc. Thế nhưng, họ cũng cần biết thêm, trẻ “thần đồng” cũng sớm mang các biểu hiện “mặt trái” thường bị xem là tiêu cực. Thường gặp nhất ở một “siêu nhí” đôi khi có thể là cả ngày chúi mũi vào một cuốn sách hoặc say sưa giải hàng chục bài toán thầy đưa ra một cách rất thông thái, nhưng khi giao tiếp với trẻ khác, có khi chúng lại như con cù lần rụt đầu vào cổ hay như con lật đật loay hoay tứ phía, chẳng biết ứng xử ra sao.
![]() |
“Thần đồng” ngoài việc dễ dàng sở hữu kho tàng kiến thức nhân loại, còn sở hữu cả những tính cách rất “độc, dị”. Ảnh: IT |
Có con "thần đồng”, mừng hay lo?
Cuộc sống thực tế đời thường vốn hay trở thành thế giới xa lạ với “thần đồng”. Có thể một bà mẹ sẽ rất mừng khi thấy con nói sớm, đọc nhanh, nhớ giỏi, hay tò mò... nhưng cũng lại rất lo khi con đã bảy, tám tuổi rồi mà vẫn phải có mẹ giúp mới xỏ được giày, mặc được quần áo một cách chỉn chu. Không kể đôi khi bố mẹ còn rất bực mình vì thói sống vô tổ chức và tính lơ đãng của con nữa.
“Thần đồng” ngoài việc dễ dàng sở hữu kho tàng kiến thức nhân loại, thiên tài tương lai còn sở hữu cả những tính cách rất “độc, dị”. Là phụ huynh, bạn có thực sự muốn con mình trở thành thần đồng hay không? Phát hiện sớm con mình có phẩm chất của “thần đồng”, các ông bố bà mẹ lo hay mừng?
Gửi bình luận