Bác sĩ cảnh báo hậu hoạ dùng "thuốc xách tay Nga" điều trị Covid-19 đang được săn lùng

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 22/02/2022 08:47 AM (GMT+7)
Bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo trước thực trạng xuất hiện nhiều người dân săn lùng, tự mua thuốc "xách tay Nga" điều trị Covid-19 và tự điều trị theo các kiến thức truyền miệng hoặc qua mạng xã hội.
Bình luận 0

Rao bán nhan nhản thuốc điều trị Covid-19 "hàng xách tay" trên mạng xã hội

Những ngày gần đây, khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, không ít người lên mạng xã hội tìm kiếm hay truyền miệng mua các loại thuốc điều trị Covid-19 và tự điều trị theo các kiến thức truyền miệng… 

Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cá nhân đã rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus "xách tay" từ Nga, Trung Quốc về Việt Nam như Arbidol thành phần là Umifenovir, Areplivir thành phần là Favipiravir. Các thuốc này được quảng cáo có khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả Covid-19.

Bác sĩ cảnh báo hậu hoạ tiền mất tật mang khi người dân săn lùng "thuốc xách tay Nga" trị Covid-19 - Ảnh 1.

Thuốc Areplivir thành phần là Favipiravir được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Các thuốc "xách tay" này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Shopee,… nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội cho biết, thời gian gần đây ông nhận được nhiều tin nhắn hỏi về các hộp thuốc xanh đỏ chữ tiếng Nga loằng ngoằng được cho là có tác dụng điều trị Covid-19. Ông Hiếu khuyến cáo người dân không tự ý dùng vì là thuốc xách tay không rõ nguồn gốc. 

"Thuốc của Nga nếu thực sự tốt chắc tỉ lệ tử vong của Nga không ở mức hàng đầu thế giới. Tỉ lệ bệnh tự khỏi của chủng Omicron trên người đã được tiêm chủng rất cao nên thuốc gì uống vào đều khỏi. Do đó người dân đừng lãng phí tiền bạc và tiếp tay cho nhóm buôn lậu thuốc công khai bán trên mạng xã hội", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Theo dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho biết "thuốc xanh, thuốc đỏ" hay Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus…

Bác sĩ cảnh báo hậu hoạ tiền mất tật mang khi người dân săn lùng "thuốc xách tay Nga" trị Covid-19 - Ảnh 2.

Thuốc Arbidol thành phần là Umifenovir được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Tại Trung Quốc, Umifenovir cũng được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch, tuy nhiên kết quả về hiệu quả của Umifenovir là không đồng nhất giữa các nghiên cứu.

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp về hiệu quả và an toàn của Arbidol trên bệnh nhân Covid-19 đã được thực hiện bởi B. Amani và các cộng sự (năm 2021) dựa trên các dữ liệu nghiên cứu trên Pubmed, Cochrane, Embase và medRixv. 

Tổng quan đã cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả giữa việc dùng Arbidol và không dùng Arbidol ở bệnh nhân Covid-19. Sử dụng arbidol có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ hơn. Các tác dụng phụ hay gặp phải là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn. 

Bác sĩ cảnh báo hậu hoạ tiền mất tật mang khi người dân săn lùng "thuốc xách tay Nga" trị Covid-19 - Ảnh 3.

Thuốc kháng virus Arbidol được rao bán nhiều trên mạng (Ảnh: P.W).

Theo dược sĩ Tuyến, Umifenovir cũng như nhiều thuốc khác Hydroxycloroquin, Ribavirin, Sofosbuvir, Lopinavir… là một trong số các thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn ban đầu của đại dịch để tìm hướng tiếp cận điều trị Covid-19 trên thế giới. Có nhiều nghiên cứu đã tạm dừng do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn lớn hơn nhiều so với hiệu quả.

Mỗi thuốc kháng virus có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Vì thế, chuyên gia khuyên việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ, đồng thời trong quá trình sử dụng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra.

Hiện nay, thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam. Các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm các diễn đàn bán đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng. Việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược, giảm hiệu quả phòng chống dịch, tạo cơ hội cho những cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi cá nhân. 

Thuốc điều trị Covid-19: "Đừng để người khác truyền tải nhưng thông tin lệch lạc khiến tiền mất, tật mang"

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trần Quốc Khánh, phẫu thuật viên chuyên ngành thần kinh - cột sống tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội. Anh thường xuyên chia sẻ thông tin, kiến thức về sức khỏe trên mạng xã hội và có lượng theo dõi lớn cho biết, không dùng thuốc kháng virus Favipiravir hoặc Molnupiravir theo mách bảo của mọi người khi các bác sĩ chưa chỉ định. 

Bác sĩ cảnh báo hậu hoạ tiền mất tật mang khi người dân săn lùng "thuốc xách tay Nga" trị Covid-19 - Ảnh 4.

Người dân tại quận Hoàng Mai, Hà Nội được cấp phát thuốc trị Covid-19 tại nhà. Ảnh: Gia Khiêm

"Hầu hết chúng ta đã tiêm đủ vaccine và cơ thể sẽ tự chữa lành mà không cần đến những thuốc này. Thực sự thuốc kháng virus rất nhiều tác dụng phụ và chính chúng ta đang tự nhận vào mình khi sử dụng một cách thiếu hiểu biết, chưa có chỉ định. Những thuốc kháng virus xách tay từ Nga, Ấn…cũng vậy. 

Nhiều người tâm lý ai mách gì uống nấy, uống rất nhiều thuốc dự phòng như vậy rất nguy hiểm. Thuốc kháng virus có rất nhiều tác dụng phụ đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ tuổi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều chưa kể thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng. Tuyệt đối không dùng khi không nắm rõ nguồn gốc và chưa có chỉ định từ bác sĩ, tránh tiền mất (mua giá cao) lại thêm hại sức khoẻ", bác sĩ Khánh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Khánh, thuốc chống đông máu (Rivaroxaban hoặc Apixaban) và Corticoid (Dexamethasone, Methylprednisolon) lại càng không được dùng tuỳ tiện dù là dự phòng. 

Thuốc kháng sinh không có tác dụng gì nếu chúng ta nhiễm virus mà không bội nhiễm vi khuẩn. Do vậy, nếu dùng một cách tuỳ tiện chỉ thêm mệt người, tổn thương gan thận. 

"Điều quan trọng nhất trong điều trị Covid-19 đó là tâm lý bình tĩnh, lạc quan và tỉnh táo là rất quan trọng. Tâm lý tốt sẽ tạo nên hệ miễn dịch mạnh khiến tự cơ thể sẽ chữa lành. Chúng ta hãy xem quãng thời gian cách ly là dịp để nghỉ ngơi sau tiệc Tết. Xin đừng để người khác truyền tải nhưng thông tin lệch lạc, giới thiệu những sản phẩm không cần thiết khiến tiền mất, tật mang", bác sĩ Khánh cho biết thêm.

Bộ Y tế mới đây có công văn gửi UBND các tỉnh thành về việc tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế. Theo đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... Điều này, gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem