Bác sĩ cảnh báo cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ nhỏ mắc Covid-19 sử dụng loại thuốc này

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 19/02/2022 10:00 AM (GMT+7)
Những ngày gần đây, nhiều trẻ nhỏ tại Hà Nội mắc Covid-19. Trước thắc mắc của không ít phụ huynh liệu có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc kháng virus để nhanh âm tính hay không, bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo.
Bình luận 0

Như chia sẻ của chị Đỗ Thị Trang (32 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội): "Tôi có con trai 7 tuổi mắc Covid-19 ngày thứ ba, gia đình tôi hơi lo không biết có nên dùng thuốc kháng virus để con nhanh âm tính hay không?". 

Trả lời vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Lê Văn Thiệu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội, và cũng là người trực tiếp tham gia nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị tại nhà nhấn mạnh, cha mẹ tuyệt đối không dùng thuốc kháng virus cho trẻ bởi 2 lý do. 

Bác sĩ cảnh báo cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ nhỏ nhiễm Covid-19 sử dụng loại thuốc này? - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ mắc Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội hồi tháng 1 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Cụ thể, trẻ nhỏ mắc Covid-19 tỉ lệ rất nhẹ, ít có trường hợp diễn biến nặng. Nhiều trẻ tự khỏi nên không dùng thuốc kháng virus. Bên cạnh vấn đề tự khỏi, nếu dùng thuốc kháng virus có nguy cơ diễn biến nặng, đối mặt với nguy cơ biến chứng.

"Như liên quan đến phụ nữ có thai và cho con bú không dùng được bởi sẽ liên quan đến các vấn đề đột biến gen. Hiện chưa có nghiên cứu gì về tác hại của thuốc kháng virus cho trẻ nhỏ nên không dùng cho trẻ", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.

Bác sĩ cảnh báo cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ nhỏ nhiễm Covid-19 sử dụng loại thuốc này? - Ảnh 2.

Bác sĩ cảnh báo cha mẹ không dùng thuốc kháng virus cho trẻ em. Ảnh: Gia Khiêm

Cùng quan điểm trên, bác sĩ Nhi khoa Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà cảnh báo cha mẹ không dùng thuốc kháng virus cho trẻ em.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ em không có chỉ định dùng thuốc kháng virus SARS-CoV-2, trừ duy nhất một loại là Remdesivir. Đây là thuốc đường tĩnh mạch, phụ huynh không thể mua vì có nguy cơ tai biến nặng. Vài nghiên cứu cho rằng Remdesivir có tác dụng với trẻ mức độ nặng và nguy kịch (các trường hợp này đều nhập viện) và phải sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia Nhi khoa.

Bác sĩ Cường cho biết, trẻ em không nên dùng thuốc kháng virus vì lợi tích của thuốc kháng virus không rõ ràng và chưa có bằng chứng thuốc này giúp trẻ mau khỏi bệnh và hiệu quả.

Tác hại của thuốc kháng virus đối với trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như phản vệ hoặc nặng hơn là sốc phản vệ do quá mẫn với thuốc; Buồn nôn, nôn; Tiêu chảy; Tổn thương gan, tăng men gan; Phải đánh giá chức năng thận trước khi dùng (mức lọc cầu thận > 30 ml/ph). Nếu thận không tốt có thể gây tổn thương thận; Phát ban ngoài da.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên tốn tiền tìm mua các loại thuốc kháng virus cho con, thay vào đó hãy chăm sóc trẻ một cách khoa theo hướng dẫn của bác sĩ Nhi khoa.

Theo bác sĩ, cha mẹ nên thường xuyên theo dõi SPO2 (chỉ số oxy trong máu), nhịp thở. Nếu trẻ vẫn chơi, không bỏ ăn bỏ uống không đáng lo ngại. 

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, gia đình cần chú ý những triệu chứng bất thường của trẻ để báo nhân viên y tế gồm: Sốt > 38 độ C; đau rát họng, ho; tiêu chảy; mệt mỏi không chịu chơi; đau ngực; SpO2 < 96%; khó thở; ăn bú kém. Rút lõm lồng ngực; Li bì, lờ đờ, bỏ bú; Tím môi, đầu chi; Chi lạnh tái, nổi vân tím. 

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu chuyển nặng sau, người chăm sóc cần báo ngay nhân viên y tế để cấp cứu kịp thời: Thở nhanh; Khó thở; Cánh mũi phập phồng.

Hiện nay, hai loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 được Bộ Y tế đưa vào danh mục thuốc điều trị cho F0, gồm: Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên); Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên). 

Chiều 17/2, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ký quyết định cấp phép cho 3 loại thuốc điều trị Covid-19 sản xuất trong nước, trong đó có loại Molnupiravir Stella 400 dạng viên nang cứng do Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm - chi nhánh 1 (Stellapharm J.V. Co., Ltd. - Branch 1) đăng ký và sản xuất.

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế cấp lên nhãn thuốc.

Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các cán bộ y tế, các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn quản lý thông báo cho bệnh nhân về các lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị, các thuốc khác có thể thay thế thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem