Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tổng nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 do tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quản lý là hơn 8.007 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách tỉnh là hơn 7.484 tỷ đồng, bố trí cho 352 dự án; vốn ngân sách trung ương đầu tư là hơn 522,6 tỷ đồng (trong số đó, vốn ngân sách trung ương đầu tư cho các chương trình là gần 395 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ là gần 47 tỷ đồng và vốn ODA là gần 45 tỷ đồng) phân bổ cho 8 dự án.
![]() |
Nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Vũng Tàu thấp. Ảnh minh họa: IT |
Về tình hình giải ngân, tính đến ngày 22/12/2020, giá trị giải ngân vốn do tỉnh quản lý là hơn 4.698 tỷ đồng, đạt 62,8% kế hoạch năm 2020. Nguồn vốn do trung ương đầu tư theo các chương trình giải ngân là hơn 284 tỷ đồng, đạt 72%; vốn ODA đã giải ngân 100%, còn vốn trái phiếu Chính phủ chưa giải ngân.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng cho biết thêm, các chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn lớn nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ chung. Đó là, UBND thành phố Vũng Tàu (63,5%), UBND huyện Đất Đỏ (50,1%), UBND huyện Long Điền (69,3%), UBND huyện Côn Đảo (66,5%), Ban quản lý chuyên ngành giao thông tỉnh (56,9%), Ban quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép – Thị Vải (30,2%), Ban quản lý chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (58,6%) và Sở Y tế (2,1%).
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương và các đơn vị cho biết, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp là do bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc như thời gian thực hiện các khâu của quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng còn kéo dài; chính sách về giá bồi thường, tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân gây khiếu kiện kéo dài, giá bồi thường sau khi khảo sát tăng cao so với giá ước tính khi quyết định chủ trương đầu tư làm tăng tổng mức đầu tư, do vậy phải lập các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt tại các kỳ họp trong năm.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục thanh toán khối lượng, quyết toán các dự án hoàn thành của một số chủ đầu tư còn chậm, điển hình như: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội… Cùng với đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn và kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, nhất là dự án trên địa bàn huyện Côn Đảo….
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các chủ đầu tư dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, rà soát lại tất cả các dự án đầu tư công trên địa bàn và thuộc các đơn vị làm chủ đầu tư, đối với các dự án không cần thiết, không khả thi, chưa có nhu cầu bức thiết phục vụ nhân dân… báo cáo lại UBND tỉnh để có hướng xử lý, có thể tạm dừng dự án đó.
Ông Thọ cũng yêu cầu các chủ đầu tư kiên quyết xử lý các đơn vị tư vấn, thi công vi phạm các vấn đề liên quan đến hợp đồng. Nhất là các đơn vị tư vấn, tư vấn trong quá trình khảo sát thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế xây dựng công trình…, chất lượng sản phẩm tư vấn không đảm bảo phải xử lý nghiêm. Đối với các chủ đầu tư dự án công có vốn giải ngân thấp trên địa bàn tỉnh sẽ gắn liền với trách nhiệm kiểm điểm cuối năm đối với người đứng đầu và tập thể đơn vị đó…
Gửi bình luận