Ba loại nhạc cụ "linh hồn" trong lễ hội người Chăm ở Ninh Thuận là những loại gì?

Đức Cường - Núi Xanh Thứ sáu, ngày 16/06/2023 14:55 PM (GMT+7)
Theo tín ngưỡng người Chăm ở Ninh Thuận, bộ ba nhạc cụ trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghi-năng được ví như như 3 phần quan trọng của cơ thể con người. Trong đó, kèn Saranai là phần đầu, trống Paranưng là phần thân và trống Ghi-năng là phần chân.
Bình luận 0

Để hiểu hơn về nhạc cụ Chăm truyền thống, chúng tôi theo chân anh bạn người Chăm để tìm gặp nghệ nhân Hán Quân ở làng chăm thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

Nghệ nhân Hán Quân là Maduen (thầy vỗ) của làng Chăm Hữu Đức, ông được dân trong làng xem như "báu vật" có một không hai của làng Chăm Hữu Đức. Ông biết chế tác và biểu diễn thành thục trống Paranưng và Ghi-năng, một trong ba nhạc cụ truyền thống quan trọng nhất của người Chăm.

Bộ 3 nhạc cụ không thể tách rời của người Chăm

Theo nghệ nhân Hán Quân, cùng với kèn Saranai thì trống Paranưng và trống Ghi-năng là bộ ba nhạc cụ không thể thiếu trong các dịp lễ hội, nghi lễ của người Chăm từ xưa đến nay.

Bộ ba nhạc cụ ví như 3 phần của cơ thể con người không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận - Ảnh 1.

Hai trong số 3 nhạc cụ không thể tách rời của người Chăm là trống Paranưng và Ghi-năng. (Ảnh: Đức Cường)

Dẫn chúng tôi mục sở thị "xưởng sản xuất" của mình, nghệ nhân Hán Quân cho biết, trống Paranưng và Ghi-năng thường làm bằng gỗ lim nguyên khối và được người Chăm chế tác hoàn toàn bằng tay, mặt trống được làm bằng da nai, da dê hoặc da trâu non (nghé).

Để chế tác trống Paranưng, người thợ phải chuẩn bị khối gỗ đường kính 45 – 50cm sau đó đục rỗng phần ruột để giữ lại độ dày từ 4 – 5cm. Khi chế tác hoàn thiện, thân trống Paranưng hình tròn dày chừng 1,5 - 2 cm, mặt trống chủ yếu được làm bằng da trâu non hoặc da dê.

Bộ ba nhạc cụ ví như 3 phần của cơ thể con người không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận - Ảnh 3.

Nghệ nhân Hán Quân ôm trống Paranưng. (Ảnh: Đức Cường)

Khác với nhiều loại trống, trống Paranưng chỉ có một mặt. Để làm căng mặt trống, người thợ sử dụng dây mây luồn qua mặt da rồi kéo căng để cố định vào vòng tròn bằng tre phía sau mặt trống. Giữa mặt trống và vòng tròn tre có 12 chốt gỗ (dài khoảng 5 cm, dày 1 cm) có thể di chuyển ra vào để điều chỉnh độ căng mặt trống. Qua đó, điều chỉnh âm sắc và độ vang của trống khi biểu diễn.

"Các chốt gỗ này to ở phần góc và nhỏ dần tới ngọn, khi người sử dụng trống đẩy chốt gỗ vào càng sâu thì mặt trống càng căng ra, âm trống nghe vang hơn. Ngược lại thì sẽ cho âm đằm và ấm hơn. Ngoài ra, để làm đẹp cho trống Paranưng, chủ nhân của trống có thể tô vẽ nhiều họa tiết khác nhau để trang trí cho mặt trống.

Bộ ba nhạc cụ ví như 3 phần của cơ thể con người không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận - Ảnh 4.

Mặt sau của trống Paranưng. (Ảnh: Đức Cường)

Nghệ nhân Hán Quân cho biết, khi vỗ trống thì người chơi phải ngồi vững vàng (hoặc có thể đứng, đặt trống trước ngực), một tay vỗ trống, tay còn lại đặt lên mặt trống để điều chỉnh âm sắc.

"Trống Paranưng là nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc do Maduen (thầy vỗ) vừa vỗ trống vừa hát để ca ngợi công lao của các vị thần linh. Khi nhịp trống Paranưng vang lên điệu nhạc gì thì các nhạc cụ khác trong dàn nhạc mới vào nhạc để vang lên điệu nhạc phù hợp…", nghệ nhân Hán Quân cho hay.

Giống với trống Paranưng, trống Ghi-năng cũng được làm từ những vật liệu tương tự, khác ở chỗ trống Ghi-năng có 2 mặt trống và thường có một cặp (2 trống). Mỗi trống có hình trụ hơi phình to ở giữa, trống dài 70cm với 2 mặt trống to nhỏ khác nhau. Mặt to hơn (30cm) gọi là mặt âm, mặt nhỏ hơn (25cm) gọi mặt mặt dương.

Bộ ba nhạc cụ ví như 3 phần của cơ thể con người không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận - Ảnh 6.

Trống Ghi-năng thường đi theo cặp 2 trống. (Ảnh: Đức Cường)

Trống Ghi-năng thường biểu diễn bằng cách để nghiêng 2 trống nằm chéo nhau, người chơi ngồi dưới đất và kê trống lên đùi, một mặt trống tiếp đất được gõ bằng dùi, mặt còn lại hướng lên trên được vỗ bằng tay để điều chỉnh âm sắc tiếng trống.

Theo nghệ nhân Hán Quân, để chế tác hoàn thiện một chiếc trống Ghi-năng phải mất nửa tháng, riêng trống Paranưng khoảng 5-7 ngày sẽ hoàn thành để phục vụ lễ hội.

Đặc biệt nhất trong hệ thống nhạc cụ Chăm là kèn Saranai, đây là nhạc cụ chủ đạo trong bộ ba nhạc cụ nói trên. Kèn Saranai có ba phần liền nhau, phần chuôi làm bằng đồng bên trong có gắn dăm kèn (lưỡi gà) bằng lá buông, phần thân làm bằng gỗ đục rỗng có bảy lỗ chính phía trên (tượng trưng cho 7 lỗ trên khuôn mặt người gồm: miệng, 2 mắt, 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai) và một lỗ phụ phía dưới. Riêng phần loa kèn thường làm bằng loại gỗ quý, sừng trâu hoặc ngà voi đục rỗng ruột để khuếch đại âm thanh.

Bộ ba nhạc cụ ví như 3 phần của cơ thể con người không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận - Ảnh 7.

Ông Lộ Phú Bao thổi kèn Saranai. (Ảnh: Núi Xanh)

Kèn Saranai được nghệ nhân Chăm sử dụng trong các lễ hội Chăm như lễ hội múa Rija, lễ hội Katê… kèn có 6 nốt âm thanh tương đương với nốt nhạc đồ, pha, sol, la, rê, si.

"Cái khó nhất của nghệ thuật thổi kèn saranai chính là kỹ thuật lấy hơi và giữ hơi bởi một điệu kèn saranai không bao giờ được phép đứt quãng… Nhưng khó hơn cả là lòng kiên trì và khổ luyện của người nghệ nhân…", ông Lộ Phú Bao, người chuyên thổi kèn Saranai ở làng Chăm Mỹ Nghiệp cho biết.

Theo nghệ nhân Hán Quân, bộ ba trống Paranưng, Ghi-năng và kèn Saranai không thể tách rời nhau trong các lễ hội. Người Chăm không chơi nhạc khi thiếu một trong ba nhạc cụ trên. "Mỗi chiếc trống, chiếc kèn gồm có 72 bài nhạc, đại diện cho tên của 72 vị thần trong tín ngưỡng văn hóa Chăm. Mỗi nghi lễ hay lễ hội khác nhau thì cất lên mỗi bài nhạc khác nhau, được ví như những lời ca ngợi của con cháu gửi đến những vị thần linh…", nghệ nhân Hán Quân cho hay.

Nghệ nhân Hán Quân truyền dạy cách chơi trống Paranưng và trống Ghi năng cho lớp trẻ. (T/h: Đức Cường)

Truyền lửa đam mê cho người trẻ

Nâng niu trống Paranưng và trống Ghi-năng trên tay, nghệ nhân Hán Quân cùng học trò hào hứng nổi trống "đãi" khách bằng những bản nhạc truyền thống dân tộc.

Bộ ba nhạc cụ ví như 3 phần của cơ thể con người không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận - Ảnh 9.

Học trò trẻ tuổi Thạch Quốc Việt được nghệ nhân Hán Quân truyền dạy. (Ảnh: Đức Cường)

Ngồi bệt xuống nền nhà đưa đầu gối nâng chiếc trống vào lồng ngực, tay phải vỗ mạnh còn những ngón tay trái nhảy múa uyển chuyển trên mặt trống. Tiếng Paranưng, Ghi-năng vang lên bập bùng như vũ điệu cuồng say của niềm tin thắng lợi.

Kết thúc hồi trống dài, nghệ nhân Hán Quân vuốt ve cặp trống dặn học trò cất giữ cẩn thận như báu vật. "Đây là những nhạc cụ rất quý, bởi nó là bảo vật linh thiêng của người Chăm…", nghệ nhân Hán Quân cho biết.

Theo nghệ nhân Hán Quân, từ thời trai trẻ, ông cùng cố nghệ nhân ưu tú Thiên Sanh Thềm ở Hữu Đức (huyện Ninh Phước) tận tâm truyền dạy chế tác nhạc cụ và biểu diễn trống Paranưng, Ghi-năng phục vụ hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm ở địa phương. Hơn nửa thế kỷ qua, ông đã truyền dạy kỹ thuật biểu diễn trống cho 12 thanh niên nối nghiệp.

Bộ ba nhạc cụ ví như 3 phần của cơ thể con người không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận - Ảnh 11.

Thạch Quốc Việt tự hào về văn hóa dân tộc Chăm, anh có thể chơi thành thạo trống Ghi-năng và Paranưng . (Ảnh: Đức Cường)

Những học trò mới nhất của ông như Đàng Phi Long Khánh, Thạch Quốc Việt đã thuần thục vỗ trống phục vụ chương trình lễ hội và văn nghệ ở khu dân cư.

"Bản thân tôi tự hào về những giá trị văn hóa dân tộc Chăm, tự hào được nối nghiệp cha ông để giữ mãi những điệu kèn Saranai, tiếng trống Paranưng và Ghi-năng vang mãi giữa miền nắng gió Ninh Thuận…", anh Thạch Quốc Việt cho hay.

Ông Lộ Phú Bao người Chăm làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) là người Chăm đầu tiên thổi kèn Saranai tại Trường Sa cho biết, đồng bào Chăm bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Gia đình, xóm làng no ấm hơn nên đời sống văn hóa tinh thần ngày càng nâng cao.

Bộ ba nhạc cụ ví như 3 phần của cơ thể con người không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận - Ảnh 12.

Học trò Đàng Phi Long Khánh học sư phụ Hán Quân cách chế tác trống Paranưng. (Ảnh: Đức Cường)

Trong các lễ hội, ngày vui của làng không thể thiếu tiếng trống Paranưng, trống Ghi-năng và tiếng kèn Saranai bởi những nhạc cụ này chứa đựng cả thế giới tâm linh, tín ngưỡng riêng có của đồng bào Chăm.

Cũng giống như trống Ghi-năng, trống Paranưng, kèn Saranai cũng có những bài nhạc trước đây vốn chỉ được truyền khẩu từ đời này qua đời khác.

"Hiện nay hầu như ở làng Chăm nào cũng có những người trẻ được cha anh truyền dạy kỹ thuật biểu diễn kèn Saranai, cùng niềm đam mê để gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc…", ông Lộ Phú Bao cho hay.

Bộ ba nhạc cụ ví như 3 phần của cơ thể con người không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm Ninh Thuận - Ảnh 13.

Bộ ba nhạc cụ trống Paranưng, kèn Saranai và trống Ghi-năng trên sân khấu biểu diễn tại lễ hội Katê. (Ảnh: Núi Xanh)

Chia tay làng chăm ở huyện Ninh Phước, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh "già làng" Lộ Phú Bao và nghệ nhân Hán Quân cùng các học trò trong trang phục truyền thống biểu diễn nhạc cụ Paranưng và Ghi-năng cùng tiếng kèn Saranai vui tươi, rộn ràng như cầu mong các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, đặc biệt là bộ nhạc cụ truyền thống trong văn hóa Chăm, tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ các địa phương có người Chăm mua sắm và truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ, thiết bị âm thanh, dụng cụ…

Tại Ninh Phước (nơi có số lượng người Chăm nhiều nhất tỉnh Ninh Thuận), UBND huyện này đã quan tâm, khuyến khích đồng bào Chăm thành lập nhiều câu lạc bộ phổ biến truyền nghề nhạc cụ dân tộc Chăm.

Đến nay, toàn huyện Ninh Phước có 20 thôn có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, mỗi thôn đều thành lập một đội văn nghệ khoảng 20 diễn viên, nhạc công, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Chăm và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem