Thứ năm, 02/05/2024

Áp lực với chính sách tiền tệ vẫn hiện hữu

12/01/2023 7:00 PM (GMT+7)

Những diễn biến xấu nhất của kinh tế thế giới đã đi qua, nhờ đó giảm bớt tác động tiêu cực tới nền tảng vĩ mô của Việt Nam trong năm 2023; tuy nhiên điều đó không có nghĩa là rủi ro và áp lực không còn.

Áp lực với chính sách tiền tệ vẫn hiện hữu - Ảnh 1.

Áp lực với chính sách tiền tệ vẫn hiện hữu. Ảnh: CTG

Áp lực với chính sách tiền tệ vẫn rất lớn

Hiện nay một số dấu hiệu cho thấy lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh, trong khi kinh tế Mỹ dần suy yếu, qua đó giúp gia tăng kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ vào cuối quý I/2023 và chuyển sang chu kỳ nới lỏng vào cuối năm.

Tuy nhiên trên thực tế, theo thông tin lấy từ biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed công bố ngày 4/1, cơ quan này đã lưu ý rằng việc nới lỏng chính sách chỉ được thực hiện khi dữ liệu thể hiện rõ ràng rằng lạm phát đang trên đà giảm bền vững. 

"Không có thành viên nào (của Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC - PV) dự đoán rằng việc bắt đầu giảm lãi suất vào năm 2023 là phù hợp", biên bản cho biết thêm.

Như vậy ở thời điểm hiện tại, chỉ có thể nhận định rằng, kịch bản hạ lãi suất ngay trong năm nay là không chắc chắn.

Quay trở lại thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, hầu hết các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên thế giới đều sai lầm khi nhận định lạm phát toàn cầu chỉ có tính tạm thời, nhưng thế giới đã đối mặt với lạm phát cao nhất 40 năm trở lại đây, buộc Fed và nhiều NHTW trên thế giới phải nhanh chóng chuyển hướng từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ không giới hạn trong giai đoạn Covid-19 năm 2020, 2021 sang thắt chặt CSTT, tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh.

Điều này khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao (thông thường Fed điều chỉnh 0,25% mỗi lần tăng hoặc giảm lãi suất chính sách, nhưng trong năm 2022, Fed đã tăng 4 lần lãi suất với mức 0,75% mỗi lần tức là tăng gấp 3 lần mức thông thường).

Bối cảnh đó đã tạo nên một mặt bằng lãi suất toàn cầu rất cao, làm cho đồng USD tăng ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. 

Cụ thể, hồi cuối tháng 9, chỉ số đô la (DXY) đã lên mức 115, tức là tăng 21% so với đầu năm 2022, tạo áp lực rất lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ không chỉ ở Việt Nam mà của các nước đang phát triển và những nước mới nổi. Trong bối cảnh đó, đồng USD trở thành "hầm trú ẩn" cho các nhà đầu tư, dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Dự trữ ngoại hối của các nước sụt giảm gần 10.000 tỷ USD, giảm gần 9% tổng dự trữ ngoại hối của các nước trước xu hướng dòng tiền đổi chiều. 

Áp lực với chính sách tiền tệ vẫn hiện hữu - Ảnh 2.

Định hướng điều hành trong năm 2023 của NHNN là đảm bảo giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát được lạm phát. Ảnh: STB

Trong khi đó, trong nước, kinh tế phục hồi nhưng chưa bền vững; thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đều gặp khó khăn đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ. Với bối cảnh đó, sự chống chọi của chính sách tiền tệ của các nước, đặc biệt của Việt Nam – một nước có độ mở kinh tế lớn với các cú sốc này là rất căng thẳng.

Làm sao để tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và điều hành tỷ giá? 

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định, nếu hy sinh tỷ giá để tỷ giá tăng cao, đồng nội tệ mất giá nhiều thì sẽ giữ được lãi suất, giữ được dự trữ ngoại hối; nhưng ngược lại, nền kinh tế Việt Nam độ mở rất lớn, nếu để tỷ giá mất giá nhanh và mất giá quá lớn thì chúng ta sẽ nhập khẩu lạm phát.

Từ đó sẽ không kiểm soát được lạm phát, các cân đối vĩ mô sẽ không kiểm soát được và có thể rơi vào mất ổn định kinh tế vĩ mô.

"Nhúng" hệ điều hành chính sách tiền tệ vào bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung sẽ cho thấy được bức tranh chung mà ngành Ngân hàng phải đối mặt với những thách thức thời gian qua cũng như trong năm 2023. 

Theo ông Quang, tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN đã chỉ ra 3 thách thức lớn mà ngành Ngân hàng phải tập trung xử lý trong năm 2022.

Thứ nhất, làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng khi một số chỉ tiêu tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đã ở ngưỡng cảnh báo.

Thứ hai, làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của Mỹ.

Và thứ 3, làm thế nào ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống trước sự cố tháng 10 trên thị trường liên ngân hàng khi niềm tin thị trường suy giảm cùng với những biến cố trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

"Mục tiêu quan trọng nhất của điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, còn cách thức, công cụ điều hành thì rất linh hoạt, tùy từng thời điểm thị trường để tùy cơ ứng biến đưa ra các giải pháp, chính sách, lộ trình phù hợp để vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không lơ là với rủi ro lạm phát" - Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN).

Xét tỷ lệ tín dụng/GDP, hiện nay Việt Nam đã đạt 124%, là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp theo thống kê của WB, còn Moody's thì cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là mức cao nhất của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm Ba và Baa. Tổng dư nợ tín dụng của Ngành ngân hàng tiến tới xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng, đó là một con số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp. 

Về cơ bản, trong các nguồn lực để tạo ra nguồn vốn phục vụ cho quá trình đầu tư phát triển KT-XH thì tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các nguồn vốn bên cạnh nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn FDI, nguồn vốn kiều hối... Do đó, để phát triển KT-XH phải khơi thông và tạo được sự kết nối, phát triển đồng bộ của tất cả các nguồn vốn này, mà trong đó tín dụng ngân hàng được xem là hạt nhân là mạch máu kết nối các nguồn vốn này. 

Tuy nhiên, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng nên trong bối cảnh thị trường thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản biến động phức tạp, khó lường, có dấu hiệu thu hẹp, thì càng gây áp lực lớn lên cân đối vốn tín dụng ngân hàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ không chỉ trong năm 2022 mà cả trong năm 2023 tới đây. 

Ngoài ra, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng gia tăng sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế lên tín dụng ngân hàng.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ 2023 ra sao?

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), nhấn mạnh, định hướng điều hành trong năm 2023 của NHNN, bên cạnh việc hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thì mục tiêu quan trọng nhất, xuyên suốt là điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát được lạm phát. Từ đó, mục tiêu quan trọng với nội bộ Ngành ngân hàng là duy trì được sự hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững của hệ thống TCTD. 

Theo ông Quang, thời điểm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra thì năng lực quản trị, chất lượng tài sản của bảng cân đối của hệ thống ngân hàng không tốt như giai đoạn hiện nay. Khi đó hệ thống ngân hàng phát sinh nhiều vấn đề, nợ xấu tăng cao vượt khả năng xử lý của các ngân hàng, một số ngân hàng rơi vào bờ vực phá sản và phải trải qua cuộc vật lộn tái cơ cấu hơn 10 năm cho đến nay. 

"Giai đoạn hiện nay, hệ thống ngân hàng đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng liên tiếp, covid vừa xong thì lại đến khủng hoảng lạm phát toàn cầu, theo đó hệ thống ngân hàng đã vững vàng hơn nhiều, chất lượng bảng cân đối, chuẩn mực quản trị được nâng cao, nợ xấu trong tầm kiểm soát", ông Quang nói.

Với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường trong và ngoài nước, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2023 là một mặt tiếp tục hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác không chủ quan với lạm phát trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu, mức lãi suất Fed còn tiếp tục neo cao và kéo dài đến hết năm 2023. 

"Do độ trễ của tác động lạm phát nhập khẩu đối với nước ta còn lớn, nên điều hành CSTT không thể chủ quan với các rủi ro này", ông Quang nhận định.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Lượng đơn hàng mới tăng trở lại, sức khỏe ngành sản xuất tốt lên

Lượng đơn hàng mới tăng trở lại, sức khỏe ngành sản xuất tốt lên

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 4 đã giúp ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại, theo báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) -mới nhất của S&P Global.

Đây là lĩnh vực hút hơn 3/4 vốn FDI qua 4 tháng

Đây là lĩnh vực hút hơn 3/4 vốn FDI qua 4 tháng

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một phần lớn được dồn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Dragon Capital gom mua trở lại cổ phiếu MWG của đại gia Nguyễn Đức Tài

Dragon Capital gom mua trở lại cổ phiếu MWG của đại gia Nguyễn Đức Tài

Ước tính số tiền mà Dragon Capital phải chi để gom 4,65 triệu cổ phiếu MWG (Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động; HoSE: MWG) khoảng 231,57 tỷ đồng.

Nhóm 5 doanh nghiệp bắt tay nhau vì "mê" thị trường bảo hiểm Việt Nam

Nhóm 5 doanh nghiệp bắt tay nhau vì "mê" thị trường bảo hiểm Việt Nam

Bốn công ty giải pháp tài chính -- Zalopay, Lotte Finance, FE Credit và bảo hiểm OPES -- vừa trở thành đối tác chiến lược tại Việt Nam của công ty công nghệ bảo hiểm Igloo từ Singapore.

Các ông lớn Google, Facebook, Tiktok... nộp hơn nửa tỷ USD tiền thuế ở Việt Nam

Các ông lớn Google, Facebook, Tiktok... nộp hơn nửa tỷ USD tiền thuế ở Việt Nam

Theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, 4 tháng đầu năm 2024, các "ông lớn" như Google, Facebook, Tiktok, Microsoft, Netflix hoạt động ở Việt Nam đã nộp hơn 3.000 tỷ đồng tiền thuế.

Quý I, lỗ ròng Novaland tăng gấp 1,5 lần vì lý do gì?

Quý I, lỗ ròng Novaland tăng gấp 1,5 lần vì lý do gì?

Quý đầu năm, Novaland (HoSE; NVL) tiếp tục ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 600 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với mức lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng của năm ngoái.