Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến gần, chuyên gia hiến kế "lạ"

Thái Nguyễn Thứ ba, ngày 07/05/2024 11:43 AM (GMT+7)
Bộ Xây dựng cho biết có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41,4%. Chuyên gia khuyến cáo để tránh nguy cơ vỡ nợ, doanh nghiệp cần nhanh chóng tái cơ cấu lại các khoản nợ, thậm chí cân nhắc phương án bán lỗ vốn tài sản.
Bình luận 0

Hơn 41% trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sắp đáo hạn

Theo báo cáo quý I/2024 của Bộ Xây dựng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có một số chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo số liệu tổng hợp thì khối lượng phát hành quý I/2024 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn. Ước tính sẽ có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41,4%. Lũy kế trong quý có 14 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 13.060 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng.

Theo dữ liệu báo cáo các tháng trong quý I/2024 của Hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC. Cụ thể, trong tháng 1/2024, có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1.650 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng (so với tháng 12/2023, giá trị phát hành đã sụt giảm đáng kể từ mức trung bình khoảng 43.000 tỷ đồng, tương đương giảm 91%).

Các doanh nghiệp đã mua lại 7.394 tỷ đồng, giảm 31,1% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 8.432 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 5 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến gần, chuyên gia hiến kế "lạ" - Ảnh 1.

Ước tính năm 2024 còn 115.663 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn

Trong tháng 2/2024 có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 1.165 tỷ đồng; giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023. Các doanh nghiệp đã mua lại 2.056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong tháng 3/2024 có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 8.745 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã mua lại 8.031 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2023; có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 4.851 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 27 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, tích cực triển khai quyết liệt về việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, có lĩnh vực bất động sản. Nhờ vậy, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần từng bước đi vào ổn định và đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây.

Doanh nghiệp cần tái cơ cấu lại các khoản nợ

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, những điều chỉnh từ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã có sự hỗ trợ với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động vốn, điển hình là thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn cho nhà đầu tư và tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Ngoài trái phiếu riêng lẻ, còn phải kể đến “nút thắt” về lãi vay dần nới lỏng sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường địa ốc. Mặt bằng lãi suất giảm sẽ giúp nhu cầu mua bất động sản cải thiện và có tác động tích cực đáng kể tới dòng tiền cho của các chủ đầu tư", ông Đính nhận định.

Ông Đính cũng khuyến cáo, để không phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, doanh nghiệp cần nhanh chóng tái cơ cấu lại các khoản nợ. Đồng thời, cân nhắc việc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ, hoàn thiện những dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường. Ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cũng cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như quỹ đầu tư bất động sản - REIT, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản..., hay kênh khác như đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài.

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến gần, chuyên gia hiến kế "lạ" - Ảnh 2.

Doanh nghiệp cần bán bớt tài sản, thậm chí bán lỗ để có dòng tiền trả nợ (Ảnh: TN)

Còn theo PGS. TS Ngô Trí Long, Chính phủ cần phải tiếp tục thực thi các giải pháp để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản, bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành nghề khác. Trong tình cảnh hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, nếu không huy động được trái phiếu thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và không có vốn để hoạt động.

"Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn việc đánh giá hạn mức tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tạo ra sự minh bạch về thông tin, tránh những rủi ro cho nhà đầu tư và tạo đà thúc đẩy thu hút nguồn vốn quốc tế. Việc ban hành quy định nhằm kiểm soát thị trường trái phiếu là cần thiết để ngăn ngừa tiêu cực, nhưng kèm theo đó phải có những cơ chế nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu, bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng và giảm áp lực về tín dụng cho hệ thống ngân hàng", ông Long nhận định.

Các chuyên gia cũng cho biết các nhà phát hành trái phiếu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để trả nợ. Dù đã bước sang quý II/2024 nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều khởi sắc và hồi phục hoàn toàn, còn đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu vẫn chưa được cải thiện khiến thanh khoản kém, tiềm lực tài chính của nhiều doanh nghiệp chưa cải thiện. Dù đã có một số doanh nghiệp phát hành những lô trái phiếu mới nhưng lượng rất ít, không đáng kể. Trong khi lượng phát hành trái phiếu mới giảm mạnh thì từ nay đến cuối năm, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp vẫn rất lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem