Thứ tư, 08/05/2024

An Giang kỳ thú

26/01/2023 8:08 AM (GMT+7)

An Giang là xứ “đi hoài không hết”. Với khách phương xa, vùng đất này có rất nhiều điều để khám phá, tham quan. Kể cả chúng tôi, những người làm báo chuyên nghiệp, cứ lục lọi, tìm kiếm mọi ngóc ngách trong tỉnh, nhưng chưa bao giờ hết chuyện để kể với độc giả.

Bảo vật ngoại quốc ở thành phố lễ hội

Là xứ sở của du lịch tâm linh, An Giang thu hút du khách bởi những điều riêng có. Ngoài Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nổi tiếng toàn quốc, thành phố biên giới Châu Đốc còn có Bồ Đề Đạo Tràng, điểm đến rất quen thuộc. Khuôn viên nhỏ của Bồ Đề Đạo Tràng chứa đựng nhiều bảo vật được mang từ Ấn Độ về.

An Giang kỳ thú - Ảnh 1.

Chợ nổi Long Xuyên


Truyền thuyết Phật giáo kể rằng, khoảng 600 năm trước Tây lịch, thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama) khi đó là một nhà tu hành theo hạnh khất thực. Đến bờ sông Falgu, Ngài tọa thiền dưới bóng một cây cổ thụ.

Sau này, Ngài thiền định đạt chánh quả, nơi ấy được gọi là Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng). Cây cổ thụ có tên bồ đề (Ficus religiosa; MahaBodhi - nghĩa là tỉnh thức, đại giác ngộ). Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trở thành nơi quan trọng nhất của Phật giáo, trong số Phật tích hiếm hoi còn lưu giữ.

An Giang kỳ thú - Ảnh 2.

Chợ mắm Châu Đốc


Ngày 24/12/1950, bà Nguyễn Thị Có và Nguyễn Thị Hai (đại diện Hội Thông Thiên học Việt Nam) qua Adyar (Madras) dự lễ kỷ niệm thành lập hội. Đức Jinara Jadasa (Hội trưởng Hội Thông Thiên học Quốc tế tại Ấn Độ) đã giao tặng cây bồ đề nhỏ (từ gốc cổ thụ) cho bà Hai. Cây bồ đề ấy về đến Việt Nam, gắn bó với mảnh đất An Giang, như một điều hữu duyên. Theo sách Kỷ lục An Giang 2009, đây là “cây bồ đề lâu năm nhất của tỉnh”.

Hòa quyện văn hóa tâm linh Đông - Tây, ngoài bảo thụ bồ đề, chùa còn lưu giữ xá lợi Phật Thích Ca màu trắng bóng, nhỏ cỡ 2 hạt gạo. Xá lợi do Thượng tọa Kim Quang thỉnh từ Ấn Độ về ngày 17/8/1991, để tặng cho đạo hữu Nguyễn Văn Phi và Nguyễn Thị Tuyết. Gia đình này đã cúng dường cho Hội Bồ Đề Đạo Tràng.

Đến năm 2000, thân nhân của ông Trương Hưng (cố vấn, thành viên của Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc) có dịp đi Ấn Độ chiêm bái Bodh Gaya. Tại cội bồ đề linh thiêng, ông đã kính thỉnh nhúm đất nơi gốc cây, đem về đựng trong bảo tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng, trở thành “bảo vật” thứ 3 của ngôi chùa nhỏ bé vùng biên giới Châu Đốc.

Chợ không giống ai

Sông nước là “đặc sản” của tỉnh miền Tây Nam Bộ này. Mọi sinh hoạt của người dân gắn liền với dòng nước dịu dàng. Bởi thế, nhiều loại chợ xuất hiện, phù hợp với tập quán của người dân sông nước, nghe tên đã thấy hấp dẫn: Chợ cỏ, chợ ma, chợ nổi…

Ông bà kể, hồi xưa, làm gì có đường nối liền xóm làng. Đi đâu cũng gặp sông, rạch chằng chịt, dưới sông đông hơn trên bờ. Xuồng, ghe là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Thành thử, người ta tụ họp trên sông, quây quần mấy chiếc xuồng lại, mua bán ì xèo, thế là thành chợ nổi!

An Giang kỳ thú - Ảnh 3.

Chợ ốc vít Long Xuyên


Dần dần, chợ nổi Long Xuyên trở thành thương hiệu xa gần. Mấy mươi năm phát triển, xe cộ nhiều dần, xuồng ghe lui về dĩ vãng, nhưng khu chợ này vẫn lưu giữ nếp họp mỗi ngày. Tầm 4 giờ sáng, trời chưa tỏ mặt người, chợ đã lao xao tiếng lên xuống hàng hóa. Đến khi nắng bắt đầu chiếu rõ mặt người, hầu như hàng hóa đã được vận chuyển lên bờ hoặc “bàn giao” cho bạn hàng tứ xứ, chợ tan dần, như chưa hề xuất hiện. Những chiếc ghe phấp phới bẹo (cây sào treo mặt hàng rao bán) nhẹ tênh trở về nơi xuất phát…

Chợ nổi cũng bán điểm tâm như bất kỳ khu chợ trên bờ. Cũng mấy chiếc xuồng túc tắc xuôi ngược dòng sông Hậu, men theo mấy chiếc ghe, mời gọi mọi người ăn sáng trên sông. Muốn ăn gì cũng có, y hệt trên bờ: Cơm tấm, bún cá, bún riêu, hủ tiếu... mà giá chỉ mười mấy ngàn đồng. Bữa ăn sáng chòng chành theo dòng nước, mỗi cử động đều phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, mà sao ngon đến lạ!

An Giang kỳ thú - Ảnh 4.

Chợ ma Tha La


Ngược lên vùng nước đổ, “chợ âm phủ” hay “chợ ma” ở cầu Tha La (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) gây tò mò với khách phương xa. Thật ra, đầu chợ tới cuối chợ chỉ chừng 20 bước chân. Xưa kia, người giăng câu lưới quấn lấy dòng nước cả đêm mới được một mớ cá tươi. Họ tấp vô bờ, dần dần có khách mua, thì thành chợ.

Người bán đeo cây đèn trên đầu, đủ thấy rõ mấy con cá trong giỏ của mình. Người mua xách theo cây đèn, mắt nhìn tay lựa. Trời chưa hửng sáng, cá hết, chợ tan, cũng như chưa từng nhóm họp! Hiện giờ, cá mắm ít dần, chợ mau tan, chừng 5 giờ sáng đã vắng bóng. Người dân địa phương thấy vậy, kéo dài chợ thêm một chút, bằng cách “ké” mớ rau cải, đồ linh tinh.

An Giang kỳ thú - Ảnh 5.

Chợ cỏ Ô Lâm


Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn) có chợ cỏ, chuyên bán cỏ tươi cho hộ nuôi bò. Về xứ du lịch Châu Đốc, du khách say lòng với chợ mắm, chợ khô trứ danh. Xuôi xuống Long Xuyên nhộn nhịp, lại có chợ ốc vít, chuyên bán đồ tạp nhạp sắt đã qua sử dụng…

An Giang còn lắm điều kỳ thú, càng đi càng yêu, càng hiểu càng gắn bó. Đi lần này, thấy nấn níu muốn được trở lại lần sau. Không phải kiểu đi xem cho biết, mà để cảm nhận sự giao thoa của quá khứ và hiện tại, của người xưa và người nay, của tự nhiên và con người.

Theo báo An Giang

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Độc đáo chiếc bánh mì baguette dài 140 mét

Độc đáo chiếc bánh mì baguette dài 140 mét

Mới đây, thành phố Dijon, Pháp trở thành tâm điểm của giới truyền thông khi kỷ lục Guinness mới được xác lập cho chiếc bánh mì baguette dài nhất thế giới. Chiếc bánh mì "khổng lồ" này đã chính thức soán ngôi vị quán quân với độ dài 140,53 mét, vượt xa chiếc bánh mì 130 mét sản xuất tại Ý vào năm 2020.

Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách

Người Việt ngày càng chăm đọc Facebook, lười đọc sách

Sự phát triển của các mạng xã hội với những video ngắn hấp dẫn đang khiến văn hóa đọc tại Việt Nam gặp nhiều thách thức.

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM từ đầu năm đến nay. 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu ngành du lịch thành phố ước khoảng 60.046 tỷ đồng.

Canh chua và văn hóa chống nóng

Canh chua và văn hóa chống nóng

Miền Tây Nam Bộ gần xích đạo nên rất nóng, đặc biệt năm nay, tình hình này lại kéo dài và gay gắt hơn các năm trước. Trong lĩnh vực ẩm thực, người xưa có nhiều cách đối phó với thời tiết nắng nóng. Nắng nóng (dương) cần có nước (âm) để quân bình lại. Một trong những món ăn điển hình là canh chua.

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cùng với những món ăn đặc sản Hà Nội như chả cá, phở cuốn, bún chả… thì món cháo sườn cũng trở nên rất quen thuộc, trở thành một phần trong ký ức của mỗi người Hà thành.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

Từ những kết quả tích cực của quý I/2024 và lễ 30/4 - 1/5, ngành du lịch TP.HCM tiếp tục triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy sản phẩm du lịch ban đêm, đường thủy và du lịch cộng đồng trong quý II/2024.