70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn

Gia Khiêm - Trung Hiếu Thứ ba, ngày 07/05/2024 06:00 AM (GMT+7)
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã trở lại chiến địa xây dựng kinh tế, nông trường quốc doanh rồi sinh cơ lập nghiệp. Tại đây, những câu chuyện đổ máu, mồ hôi để hồi sinh những thửa đất cằn sau mưa bom bão đạn được chia sẻ.
Bình luận 0

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đổ máu, mồ hôi hồi sinh những thửa đất cằn Điện Biên

Cách đây 70 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân - đế quốc, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập. Sau ngày giải phóng, nhiều đơn vị bộ đội trở lại chiến địa xây dựng kinh tế, nông trường quốc doanh rồi sinh cơ lập nghiệp tại đây. Họ quê gốc Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… nay đều có nơi cư trú là tỉnh Điện Biên.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn- Ảnh 1.

Cựu chiến binh Trần Quang Hữu kể về những ngày đầu tiên quay lại Điện Biên gieo mầm trên chính mảnh đất lịch sử này. Ảnh: Quang Nhật

Quay trở về ký ức xưa, trong tâm trí cựu binh Trần Quang Hữu (90 tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam) chiến sĩ Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 vẫn chưa thể quên những ngày cùng nhiều đồng đội quyết tâm ở lại "gieo mầm" trên chính mảnh đất lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, ông Hữu kể, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 1/1953, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu. Trước khi địch nhảy dù xuống Điện Biên, vào cuối năm 1953, ông bị thương trong chiến đấu ở mặt trận Cò Mạ - Thuận Châu và vĩnh viễn mang trong mình nhiều mảnh đạn ở phổi. Năm 1958, theo chủ trương, ông Hữu được "hạ sao" làm nông binh và trở thành một trong những cư dân đầu tiên của ngôi làng mang phiên hiệu C17, tức xã Thanh Xương, huyện Điện Biên ngày nay.

Ông Hữu kể, Đại đoàn 316 khi ấy có 3 trung đoàn. Trung đoàn 98 được giao nhiệm vụ mở đường Tuần Giáo. Trung đoàn 174 chọn những người tinh nhuệ lập ra lữ đoàn thường trực, còn lại chuyển qua Trung đoàn 176 làm nhiệm vụ xây dựng nông trường quân đội.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn- Ảnh 2.

Ông Hữu và vợ đã có hơn 60 năm sinh sống ở Điện Biên. Ảnh: Quang Nhật

Thời điểm tháng 5/1958, ông Hữu nheo mắt nhìn vào khoảng đất đầy cỏ voi và lởm chởm những hố mìn tại C17 mà mình và đơn vị được phân về. Nhớ lại những ngày đầu tiên, ông Hữu vẫn chưa hết hãi hùng. 4 năm sau ngày chiến thắng, Điện Biên vẫn chằng chịt những giao thông hào và dây thép gai. Hai bên đường cỏ dại mọc cao quá đầu người. Những chiến sĩ năm xưa ngay lập tức phải trần lưng dưới nắng nóng để gỡ dây thép gai, lấp giao thông hào, đào mương thủy lợi…

"Nguy hiểm nhất là bom mìn còn sót lại khiến cho công cuộc tái thiết, xây dựng cuộc sống mới càng trở nên gian nan hơn. Tôi từng chứng kiến đồng đội mình khi gỡ dây thép gai đạp trúng mìn. Vụ nổ ngay lập tức thổi bay một phần cơ thể của người người nông binh. Nhiều người lính mới đặc biệt sợ mìn cóc, loại mìn khi gặp phải sẽ nhảy lên ngang ngực mới phát nổ", ông Hữu nhớ lại.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn- Ảnh 3.

Công nhân nông trường quân đội Điện Biên khắc phục chiến tranh, khai hoang ruộng đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Xòe bàn tay đầy vết chai sần theo tháng năm, ông Hữu tiếp tục kể, vốn quen cầm súng, bước vào giai đoạn mới phải nắm chắc tay cầy, cây cuốc, các nông binh như ông đều khá bỡ ngỡ.

"Chúng tôi có câu thơ: "Giơ cuốc lên thì cò đậu, bổ cuốc xuống thì mối xông" để nói về sự lóng ngóng lúc ban đầu này. Nhưng tất cả vẫn quyết tâm với tinh thần cày cuốc là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ", ông hào hứng nói và cho hay, làm đã vất vả, chuyện ăn ở cũng chẳng giống bình thường. Lính đồng bằng đã quen với cơm tẻ lên đất mới Tây Bắc bụng nóng cồn cào vì đồ nếp và thiếu rau xanh. Để cải thiện, tranh thủ những chuyến công tác về xuôi, mọi người chia nhau mua từng gói rau muống Nam Định, rau lang Mộc Châu, chuối tiêu Hà Nam… về trồng trên những vạt vườn vừa mới lấp.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn- Ảnh 4.

Pano chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thu hút ánh nhìn tại khu vực nút giao thông trung tâm thành phố, ngay dưới chân tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Viết Niệm

Ông Hữu cũng cho hay, Điện Biên ngày đó thiếu thốn đủ bề. Đồng bào các dân tộc chưa biết cả thả cá lẫn nuôi lợn, bò như ở dưới xuôi. Trong khi đó, mãi tới sau này, các kỹ sư nông nghiệp mới được tăng cường nên mọi việc đều phải trông vào bộ đội. Ông Hữu từng đánh xe cả 2 tuần lễ về xuôi rước "ông bà" lợn ỉ về cho nông trường làm giống, rồi lại rong ruổi đưa cán bộ nông nghiệp huyện xuống Sơn La xin những túi cá giống đầu tiên về thả tại hồ thủy lợi Pá Khoang và phân phối lại cho các hợp tác xã.

"Ngày ấy, đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp huyện hồ hởi nói với chúng tôi: Rồi các cậu xem, chỉ vài năm nữa thôi, cá vài chục cân sẽ nhảy cả lên bờ", ông Hữu cười.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn- Ảnh 5.

Ông Bùi Kim Điều, nguyên lính thông tin thuộc đại đội 405 trung đoàn 165, đại đoàn 312 chia sẻ những khó khăn khi trở lại Điện Biên. Ảnh: Quang Nhật

Cũng như ông Hữu, ông Bùi Kim Điều, nguyên lính thông tin thuộc đại đội 405 trung đoàn 165, đại đoàn 312 trở lại Điện Biên từ năm 1958 nhớ lại, để khắc phục tình trạng thiếu phân bón, các nông binh phải đi phát cây chó đẻ ủ làm phân xanh bón ruộng đồng. Các phân khu C2, C4 và khu C13 được nông trường khai hoang mở rộng diện tích để trồng lạc, trồng mía, trồng ngô... Tại phân trường Mường Ảng, bộ đội ta cũng bắt tay vào trồng mắc ten và cà phê để giúp dân tìm cách thoát nghèo.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn- Ảnh 6.

Cầu Thanh Bình, cây cầu mới khánh thành được trang hoàng lộng lẫy, ngập tràn sắc đỏ. Ảnh: Viết Niệm

Ròng rã trong nhiều năm tiếp theo, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Điện Biên năm xưa đổ máu, mồ hôi xuống những thửa đất cằn. Những hy sinh mất mát của họ dần được đất mẹ trả lại bằng màu xanh bạt ngàn của lúa mới. Sau nhiều năm, bà con các dân tộc cũng lần đầu tiên được thấy máy xúc, máy càychạy ngay trên lòng chảo Mường Thanh trong làn gió cơ giới hóa ngày càng sâu rộng.

Tháng 10/1958, trong vụ gieo trồng đầu tiên, nông trường Điện Biên đã thu hoạch 248 tấn thóc, ươm 13 nghìn cây cao su, gây được gần 1.000 con trâu, bò, giành thắng lợi mở đầu trên mặt trận sản xuất.

Kỷ yếu 70 năm ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên về sau ghi lại: Sau 3 năm đầu vừa khai hoang, cải tạo chiến trường ngổn ngang bom đạn thành đồng ruộng; vừa tổ chức sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Điện Biên, Nông trường đã khai hoang được 1.108ha đất, trồng được 38ha cà phê, 830ha cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tình yêu hồi sinh nơi vựa lúa lớn nhất Tây Bắc

Tháng 5/1960, bà Trần Thị Hoa ở huyện Gia Viễn, Ninh Bình xách túi áo quần đón xe tải ngược lên Tây Bắc. Mất đúng nửa tháng vừa đi, vừa chờ, bà mới gặp được chồng lúc ấy đang làm nông binh tại Điện Biên. Vài tháng sau, con gái bà cất tiếng khóc chào đời, trở thành thế hệ hậu duệ đầu tiên của những người… đi dựng xây phân trường Mường Ảng.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn- Ảnh 7.

Cựu binh Phạm Bá Miều kể về ngày cưới không chú rể là mình. Ảnh: Quang Nhật

Cách đó hàng trăm kilomet, cựu binh Phạm Bá Miều cũng có được hạnh phúc một cách lạ kỳ khi ở dưới quê hương Thái Bình, làng xã, xóm giềng tự tổ chức đám cưới cho anh – một đám hỏi không chú rể. Thế rồi những hạnh phúc giản đơn cứ thế ươm mầm tại chính mảnh đất chiến trường từng đầy bom đạn.

Ông Phạm Bá Miều, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 vẫn không khỏi xúc động khi kể mối lương duyên kỳ lạ của mình. Theo tiếng gọi non sông, năm vừa tròn 19 tuổi, chàng trai trẻ lên đường nhập ngũ. Sâu dưới đáy ba lô, anh mang theo hình ảnh một người con gái nhỏ nhắn ở quê nhà.

Ông kể, ngày còn trẻ, làng Thụy Dương (Thái Thụy, Thái Bình) của ông bị giặc chiếm đóng. Khi đó, ông cùng một số thanh niên tham gia vào đội du kích địa phương. Tại đây, ông gặp được cô du kích cùng làng, khác thôn. Tình yêu của họ được nhen nhóm lên cùng tình yêu đất nước. Trước ngày ra trận, cả hai đều bịn rịn, không nói nên lời.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn- Ảnh 8.

Ông Hữu là một trong những cư dân đầu tiên của ngôi làng mang phiên hiệu C17, tức xã Thanh Xương, Điện Biên ngày nay. Ảnh: Quang Nhật

Rồi chiến tranh cứ cuốn ông đi, hết Cao – Bắc – Lạng rồi tới Thượng, Hạ Lào. Năm 1954, Phạm Bá Miều cùng Đại đoàn 316 được lệnh về Điện Biên chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Trải qua 56 ngày đêm "mưa dầm, cơm vắt", ông may mắn sống sót.

Ông bảo, có lẽ, chính bức ảnh giấu kín dưới đáy hành trang đã hóa thành động lực để ông vượt qua mưa bom, bão đạn. Nhưng, ông chưa bao giờ dám hẹn ước hay nghĩ xa xôi, bởi đời lính sống nay, chết mai. Chàng trai trẻ khi ấy sợ người bạn gái quê nhà sẽ lở dở cả một đời nếu chuyện không may ập đến.

Sau ngày giải phóng, Phạm Bá Miều tiếp tục được giao nhiệm vụ mới nên không thể về quê. Tới đầu năm 1955, ông bất ngờ nhận được thư của gia đình… giục về cưới vợ. "Trong thư, bố mẹ tôi viết, vợ tương lai các cụ chọn lại chính là cô gái tôi thầm thương trộm nhớ năm nào. Dẫu vậy, do không thể sắp xếp công việc, nên tôi đành khất lại, xin hoãn đám hỏi", ông kể tiếp.

Những tưởng thế là xong, nhưng tới năm 1956, trong đợt về phép đầu tiên thăm quê, Phạm Bá Miều ngã ngửa khi thấy cô dâu mới đã ở trong nhà mình được cả năm nay. Hỏi ra, ông mới biết, do sốt ruột nên ở nhà mọi người đã tổ chức một đám cưới mà không cần chú rể mà người đáng ra phải có mặt trong đám cưới đó chính là ông.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những người trở lại nơi chiến địa đổ máu, hồi sinh thửa đất cằn- Ảnh 9.

Những bài thơ được cựu binh Phạm Đức Cư (94 tuổi) viết gửi đến mọi người trong dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Quang Nhật

Nhiều năm sau này, ông Miều vẫn hay hỏi vợ: "Sao đám cưới vắng chú rể mà em và gia đình vẫn đồng ý?", bà chỉ bảo: "Anh bận công tác. Hai bên gia đình thông cảm nên vẫn làm". Đám cưới của ông đặc biệt đến nỗi anh em ai trong đơn vị ai cũng biết. Ngay cả khi trở về quê cũ, những người lớn tuổi vẫn nhắc lại như một biểu tượng xúc động của tình yêu vượt qua khoảng cách, thời gian và bom đạn…

Vài năm sau, khi đã ổn định, ông đón bà về Điện Biên. Bà được nhận làm trong nhà ăn tập thể của huyện. Ít lâu sau, thế hệ thứ hai của ông bà lần lượt ra đời trên chính mảnh đất mà ông đã dành cả thanh xuân, tâm trí để giữ gìn, bảo vệ.

Năm 1963, ông tiếp tục đưa cả gia đình vào Mường Tè (Lai Châu) nhận nhiệm vụ phụ trách địa bàn. Lúc bấy giờ, để vào được xã, ông phải đi bộ ròng rã nhiều ngày. Gặp đoạn suối dữ, anh cán bộ trẻ cởi trần, buộc chặt ba-lô rồi cố bơi sang bờ đối diện.

"Có lần, khi đang bơi ra giữa dòng, tôi bỗng thấy nước đục ngầu ồ ạt đổ từ đầu nguồn về. Chưa kịp nghĩ được gì thì cả người bị cuốn đi, chung quanh chao đảo. Chỉ tới khi dạt được vào bãi cạn mới biết mình còn sống", ông kể.

Đáng nhớ nhất là quãng thời gian 5 năm (1958-1963) trực tiếp phụ trách xã Hua Bum. Ông Miều bồi hồi kể: "Ðịa bàn lạ, tiếng mình bà con không biết mà tiếng bà con thì mình không hiểu, nhiều người thấy cán bộ người Kinh thì… bỏ chạy, nên đi tìm dân thôi cũng vất vả lắm rồi. Cảm thương khó khăn, thiệt thòi của đồng bào dân tộc thiểu số, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, mỗi ngày chúng tôi đều lên lịch đến từng nhà gặp gỡ bà con. Ban đầu là làm quen, sau thì tiếp xúc bằng việc làm, dần dà đồng bào quen với cán bộ người Kinh, họ cho cán bộ ở cùng và làm theo cách làm của cán bộ".

Không phụ công sức của ông Miều và nhiều đồng chí khác, người dân xã Hua Bum đã nghe theo cán bộ, đã biết cấy lúa, biết nuôi thêm con vịt, con gà cải thiện bữa ăn. Ðời sống đồng bào dân tộc ở Hua Bum dần khá hơn vì không phụ thuộc lối sống nhờ săn bắt, hái lượm.

Đang mặn chuyện, ông chợt ngẩn ra. Những dòng ký ức trong phút chốc ùa về, xô nhau hằn lên trên những nếp nhăn trên khuôn mặt gày guộc. Ông nói mình may mắn vì có bà luôn đồng hành, ngay cả khi khó khăn nhất.

Chia tay Điện Biên, chúng tôi được đọc những vần thơ ông Phạm Đức Cư, năm nay 94 tuổi, nguyên chiến sĩ pháo binh mặt trận Điện Biên gửi gắm bao tâm tình nhân dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: 

"Xin mời các bạn gần xa

Trong nước ngoài nước chúng ta chân thành

Đến với Điện Biên

Đến với xứ sở hoa ban

Điện Biên trang sử hôm qua

Hôm nay thành phố nở hoa bốn mùa

Điện Biên mảnh đất địa đầu

Có sông Nậm Rốm có cầu Mường Thanh

Núi rừng trùng điệp bao quanh

Cánh đồng bát ngát lúa xanh mượt mà

Giang tay chào đón bạn bè

Cùng nhau trong một vòng xoè hát ca".

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Điện Biên khẳng định: Điện Biên hôm nay đã được bắt đầu từ chính bàn tay người lính.

"Có một số lượng các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1958 theo chủ trương của Đảng đã trở lại Điện Biên xây dựng Nông trường Điện Biên, làm công nhân và sinh sống tại tỉnh nhà. Số này đại đa số thuộc quân của Đại đoàn 316 với con số ước tính khoảng trên 2.000 đồng chí", ông Lư nhấn mạnh.

Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Điện Biên rất trân trọng công lao đóng góp xây dựng Điện Biên của các cựu chiến binh, bộ đội, từ những ngày đầu làm thay đổi việc canh tác lúa bằng thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi vừa, sau đó là công trình thuỷ lợi lớn; làm thay đổi phương thức sản xuất, hướng dẫn đồng bào bản địa chuyển đổi nhận thức, thay đổi cung cách làm ăn, xây dựng Nông trường Điện Biên thành điểm sáng phát triển kinh tế, làm hậu phương lớn trên miền Bắc.

"Những chiến sĩ Điện Biên đã thành chiến sĩ lái máy cày, chiến sĩ chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Tây Bắc. Những cở sở hạ tầng đầu tiên của Điện Biên cũng được khởi tạo bởi những người lính. Các chiến sĩ Điện Biên đã đốt gạch, nung vôi, xây dựng những công trình công cộng, xây dựng những con đường giao thông đến Điện Biên, đường giao thông từ trung tâm Điện Biên Phủ đến các huyện", Thiếu tướng Lưu Trọng Lư nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem