Thứ bảy, 20/04/2024

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt Nam

14/10/2021 2:00 PM (GMT+7)

4 tháng qua là cuộc chiến "tứ bề thọ địch" của các doanh nghiệp Việt, giữa vòng xoáy khó khăn bủa vây do Covid-19.

Từ hàng nghìn nhân viên, Covid-19 ập đến, số lượng người còn lại để duy trì hoạt động của một doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nơi may mắn hơn, hoạt động "3 tại chỗ" thì cũng chỉ được 30-50% số lượng lao động và công suất sản xuất. 

Mất ăn, mất ngủ vì Covid-19

Để đảm bảo hoạt động sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (quận 12) đã phải sử dụng 2 kho vừa mới xây dựng trong nhà máy làm nơi lưu trú cho công nhân. Người lao động tại mỗi khu không được qua lại để đảm bảo an toàn.

Không riêng Vĩnh Thành Đạt, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi công năng nhà xưởng, bãi giữ xe, xây dựng thêm khu vệ sinh, lấy nhà máy làm nơi vừa sản xuất, vừa là chỗ ăn ngủ và sinh hoạt cho người lao động để thích ứng với "3 tại chỗ" thời gian qua.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

"3 tại chỗ" và xét nghiệm Covid-19 là điều cộng đồng doanh nghiệp sản xuất không thể quên. Ảnh: Đại Việt.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khẳng định đây chính là giai đoạn không thể nào quên trong đời và họ cũng không muốn kéo dài thêm thời gian "3 tại chỗ". Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho hay trong lúc "3 tại chỗ", giám đốc mỗi doanh nghiệp vừa phải chỉ đạo sản xuất, vừa làm công tác dân vận, động viên để giữ ổn định tinh thần công nhân.

Theo bà Chi, đó là chưa kể chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy, trả thêm lương công nhân "3 tại chỗ" và trả lương, chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc… Chủ doanh nghiệp cũng rất đau đầu khi chỉ duy trì được 30-50% người lao động nên sản lượng giảm một nửa so với bình thường.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Rynan Technologies, cho rằng năm 2020, Việt Nam đã chống dịch rất thành công nên phần nào có sự chủ quan. 

"Vì vậy nên không có sự chuẩn bị nhiều. Đến khi xảy ra lại rất lúng túng, bối rối. Sự lúng túng này đến từ nhiều phía, kể cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền, khi mỗi nơi chống dịch theo một kiểu cũng như chính sách thay đổi liên tục. Các thay đổi chính sách quá bất ngờ nên mình phải kiên nhẫn và chịu đựng cho việc vận hành doanh nghiệp", ông Mỹ nói. 

Chẳng hạn, không thể vì tâm lý muốn "Zero Covid-19" mà chỉ một công ty có F0 thì đóng cửa cả khu công nghiệp.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 3.

Du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn thiệt hại nặng nề vì Covid-19. Ảnh: Hồng Phúc.

Trong khi ngành sản xuất còn có thể hoạt động thì ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings, cho rằng du lịch, hàng không lại gần như "chết" hẳn trước diễn biến quá nhanh và phức tạp của dịch. Doanh nghiệp của ông có đến 1.700 người lao động nhưng đợt dịch vừa qua, có thời điểm chỉ còn 15-20 người đến văn phòng duy trì công việc hành chính.

Ông Kỳ nói nếu ví ngành du lịch, hàng không như một bệnh nhân của Covid-19, thì ngành này đang thực sự cần chạy ECMO (phương pháp hỗ trợ tuần hoàn cho phổi). 

"SpO2 (nồng độ oxy trong máu) du lịch đang ở mức tiệm cận sự sống và cái chết. Ngành du lịch hiện còn chưa đến 10% hoạt động, con số này nằm ở doanh nghiệp có thể khai thác được lượng khách hồi hương, đi cách ly. Bản chất số doanh nghiệp còn hoạt động rất ít, TP.HCM và Hà Nội gần như đóng cửa hết. Nói 10% đã là khả quan, giờ phải đặt ECMO", ông Kỳ nói.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 4.

Doanh nghiệp bán lẻ cũng hoạt động hết công suất trong 4 tháng qua, tưởng chừng "đã có lúc hụt hơi". Ảnh: Hồng Phúc.

"Thời gian qua là giai đoạn quá nhanh, quá nguy hiểm" - ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nói về ngành bán lẻ trong đại dịch. Ông cho biết doanh nghiệp phải liên tục theo dõi tình hình dịch và chính sách, liên tục có nhiều cuộc họp vào thời điểm nửa đêm cho hoạt động ngày hôm sau.

Theo ông, ngành bán lẻ thường bị nhầm tưởng là không thể chết dù có rủi ro trong mấy tháng qua nhưng thực tế, kênh thương mại hiện đại chỉ góp 1/4 thị phần. Khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng thì siêu thị phải gồng gánh. 

Toàn bộ nhân viên siêu thị phải hoạt động hết công suất 18-20 tiếng mỗi ngày. Có thời điểm đóng cửa 1/4 các siêu thị trong hệ thống, mặt hàng thực phẩm tươi sống thì lãi gộp rất thấp, không được phép tăng giá trong mùa dịch. "Đã có lúc hụt hơi", ông Đức bình luận.

Doanh nhân Việt luôn có tinh thần quật cường

Từ ngày 1/10, TP.HCM đã nới lỏng nhiều hoạt động để từng bước khôi phục nền kinh tế. Hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được mở lại. Các hộ kinh doanh cá thể, nhà hàng, quán ăn cũng được phép tái hoạt động có điều kiện. Chợ truyền thống tiếp tục được mở cửa nhiều hơn. Du lịch - ngành công nghiệp không khói, cũng đã rục rịch với một số tour về "vùng xanh" trong thành phố.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 5.

Nhiều hoạt động, dịch vụ tại TP.HCM được mở lại từ ngày 1/10, trong đó có chợ truyền thống. Ảnh: Hồng Phúc.

Tình hình đã khả quan hơn nhưng một bài toán khác đang chờ các doanh nghiệp ở phía trước chính là chuỗi cung ứng hàng hóa, nguồn nguyên liệu đầu vào và nguy cơ thiếu hụt lao động sau dịch bệnh.

"Nguồn nguyên liệu đầu vào đang thiếu là nỗi lo của tôi. Linh kiện điện tử mấy chục tuần mới giao được. Chuỗi cung ứng lệ thuộc vào nước ngoài thì rất khó", ông Nguyễn Thanh Mỹ trăn trở. Nhưng ông cũng xác định sẽ không thể nào chiến thắng được dịch Covid-19, do đó, cách duy nhất là phải thích ứng và sống chung với virus.

Cụ thể, doanh nghiệp nên điều chỉnh tốc độ và có kế hoạch lâu dài hơn, không phản ứng theo thị trường, mà phải có kế hoạch đặc thù 5 năm, 10 năm và có lộ trình điều chỉnh. Doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư vào công cụ giám sát.

"Doanh nhân đánh trận hàng ngày, chỉ khi nào gác kiếm về hưu sống vui cùng con cháu, còn lại thì tất cả doanh nhân luôn đi tới", Chủ tịch Rynan Technologies nhấn mạnh.

4 tháng mất ăn, mất ngủ và cuộc chiến với Covid-19 của doanh nghiệp Việt - Ảnh 6.

Các tour về "vùng xanh" Cần Giờ, Củ Chi được kích hoạt sau ngày 1/10, dự kiến sẽ triển khai tour liên vùng từ tháng 11. Ảnh: V.T.

Vừa khai thác trở lại tour đưa người dân đến Cần Giờ, Củ Chi trong tháng 10 này, Vietravel cũng rốt ráo kết nối với một số địa phương gần TP.HCM để xây dựng các tour khép kín "1 cung đường, 2 điểm đến". 

Theo ông, đợt dịch này thế giới sẽ thay đổi, nhận thức cũng sẽ thay đổi chứ không còn bình thường như trước. Do đó, doanh nghiệp phải điều chỉnh theo hành vi và nhận thức đó để xây dựng kế hoạch hành động phù hợp. Chẳng hạn, với ngành du lịch, lúc này an toàn chính là ưu tiên hàng đầu, người dân chỉ muốn đi chơi khi doanh nghiệp đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.

Nhìn về tương lai, Chủ tịch Vietravel Holdings cho rằng: Dịch tái đi tái lại 4 lần, bản chất người Việt và doanh nhân Việt là luôn vật lộn và cố gắng vươn lên. Tinh thần quật cường của người Việt và doanh nhân Việt lúc nào cũng sẵn có.

Ông Kỳ cho rằng việc chống dịch và sống chung với dịch cần có sự liên kết, không thể để bất cứ một doanh nghiệp, địa phương nào đơn độc. "Chúng ta đi một mình 3 năm nữa thì khả năng sống sót không cao, đường giông bão mà đi một mình, ai kéo chúng ta lên", ông Kỳ nói.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực

Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực

Doanh thu thuần xuất khẩu của Vinamilk 2023 tăng 4,4% trong bức tranh chung nhiều khó khăn. Trước thềm đại hội cổ đông sẽ tổ chức ngày 25/4 tới, dự báo, mảng xuất khẩu của Vinamilk trong quý I duy trì được phong độ so với cùng kỳ năm trước trên mức nền cao.

Google, Tesla sa thải hàng loạt nhân viên

Google, Tesla sa thải hàng loạt nhân viên

Google đang tiếp tục sa thải số lượng lớn nhân viên nhằm cắt giảm chi phí. Hãng xe điện Tesla của Elon Musk cũng phải cắt giảm nhân sự toàn cầu vì triển vọng tăng trưởng sụt giảm.

Giá dầu tăng, vàng cao kỷ lục, chứng khoán giảm sau khi Israel tấn công Iran

Giá dầu tăng, vàng cao kỷ lục, chứng khoán giảm sau khi Israel tấn công Iran

Giá dầu ở châu Á tăng hơn 3% hôm nay 19/4 sau khi có tin Israel mới không kích một căn cứ quân sự của Iran để trả đũa. Vụ đáp trả của Israel có thể đẩy Trung Đông lún sâu hơn vào xung đột.

Vì sao xu hướng tăng giá thuê bất động sản công nghiệp khó dừng?

Vì sao xu hướng tăng giá thuê bất động sản công nghiệp khó dừng?

Giá thuê đất công nghiệp được trong ba năm tới được dự báo tăng liên tục ở cả phía Nam và phía Bắc nhờ triển vọng tốt trong phân khúc này vì Việt Nam tiếp tục là địa chỉ đầu tư của các công ty đa quốc gia.

Phát hiện chất cấm Sibutramin trong Detox Táo hỗ trợ giảm cân

Phát hiện chất cấm Sibutramin trong Detox Táo hỗ trợ giảm cân

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát thông tin kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2024 đã diễn ra hoạt động đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có đường kính kỷ lục 3m. Chiếc bánh do 15 nghệ nhân tham gia thực hiện, theo công thức truyền thống.