3 Kiểm toán Big 4 "bỏ lọt" bất thường tại SCB: Bất ngờ với kết quả kinh doanh tại Việt Nam

O.L Thứ tư, ngày 20/03/2024 15:00 PM (GMT+7)
Ernst & Young Vietnam, Deloitte, KPMG - 3 Công ty kiểm toán nằm trong nhóm Big 4 đã kiểm toán cho Ngân hàng SCB - mặc dù có đơn vị ghi nhận doanh thu lên cả nghìn tỷ nhưng lãi vỏn vẹn vài tỷ đồng.
Bình luận 0

3 kiểm toán trong nhóm Big 4 nhưng không phát hiện bất thường tại SCB

Trong thời gian dài, một lượng tiền lớn đã bị rút khỏi ngân hàng SCB - trong vụ án Vạn Thịnh Phát nhưng không có dấu hiệu bất thường nào được phát hiện trong các hoạt động kiểm toán.

Theo kết luận điều tra, trong số 1.284 khoản vay của nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn dư nợ đến tháng 10/2022 (thời điểm khởi tố vụ án) là 677.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, bà Lan đã chiếm đoạt được 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lên đến gần 130.000 tỷ đồng lãi.

Theo cơ quan điều tra, sau khi thâu tóm SCB, bà Lan đã sử dụng các cá nhân thân tín để rút tiền từ ngân hàng này cho mục đích cá nhân. Bà Lan đã giữ vai trò chủ chốt tại SCB và triển khai hoạt động rút tiền dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay khống, có trường hợp rút tiền trước khi hoàn thiện hồ sơ vay.

3 Kiểm toán Big 4 "bỏ lọt" bất thường tại SCB: Bất ngờ với kết quả kinh doanh tại Việt Nam- Ảnh 1.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, hệ thống sổ sách của SCB thể hiện tổng số tiền ngân hàng huy động và vay từ các tổ chức tín dụng khác là 673.586 tỷ đồng, trong đó tiền huy động từ khách hàng là 511.262 tỷ đồng, giấy tờ phát hành có giá trị là 76.845 tỷ đồng, vay từ NHNN là 66.030 tỷ đồng và vay từ các tổ chức tín dụng khác là 6.756 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của SCB là 21.036 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn của ngân hàng theo sổ sách kế toán tại ngày 17/10/2022 là 713.420 tỷ đồng.

Trong buổi chất vấn sáng 18/3, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc liên quan đến việc cấp phép cho các công ty kiểm toán, chất lượng của các kiểm toán viên và kiểm định viên sau sự cố tại SCB.

Bộ trưởng Phớc cho rằng, những sai phạm của kiểm toán độc lập trong các vụ án hình sự do nhiều yếu tố. Thứ nhất, do năng lực của cán bộ kiểm toán ở các bên. Thứ hai, tinh thần trách nhiệm của cán bộ làm kiểm toán trực tiếp. Đáng chú ý, cũng không loại trừ có sự cấu kết và cố tình vi phạm pháp luật của kiểm toán viên.

"Các công ty kiểm toán hàng đầu của thế giới đều kiểm toán SCB nhưng đều vi phạm. Rõ ràng cái này là do kiểm toán viên, thẩm định viên chứ không phải do công tác quản lý", ông Phớc nói, lấy ví dụ trong vụ án tại SCB.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng thừa nhận một số văn bản pháp luật còn lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng nên khi xác định cán bộ kiểm toán, thẩm định giá cố tình làm sai thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí hình sự.

Tuy nhiên, sau khi bà Lan bị khởi tố, SCB đã được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Báo cáo kiểm toán của Công ty KPMG công bố vào tháng 5/2023 đã xác định rằng SCB âm vốn chủ sở hữu hơn 443 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, KPMG cũng là công ty kiểm toán đã báo cáo tài chính của SCB trong các năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, trong các báo cáo kiểm toán năm 2020 và soát xét 6 tháng đầu năm 2022, KPMG chỉ tập trung vào việc SCB đang thực hiện đề án cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu.

Kiểm toán viên của KPMG đánh giá, báo cáo tài chính của SCB đã phản ánh đúng và hợp lý, đặc biệt là trên các khía cạnh quan trọng và tình hình tài chính hợp nhất của ngân hàng.

Dữ liệu cho thấy, các kỳ báo cáo tài chính của SCB từ năm 2012 đến thời điểm khởi tố vụ án đã được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán hàng đầu nằm trong nhóm Big 4 là: Ernst & Young Vietnam, Deloitte và KPMG.

Tình hình kinh doanh của 3 Công ty kiểm toán SCB ra sao?

Dù nổi tiếng với mảng kiểm toán, hoạt động 3 doanh nghiệp trong nhóm Big4 có sự phân hóa theo các mảng riêng. EY chuyên trách về thuế, công nghệ và giao dịch từ các dịch vụ thuế; Deloitte mạnh về tư vấn kế toán và BCTC, tư vấn sự kiện đột phá, tư vấn hoạt động kế toán và các dịch vụ đảm bảo khác; KPMG mạnh về kiểm toán, tư vấn vận hành, tư vấn thương vụ, tư vấn thuế và pháp lý.

Ernst & Young Vietnam

Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam có địa chỉ trụ sở chính tại quận 1 TP.HCM và có chi nhánh tại Hà Nội ở quận Hoàn Kiếm. Ban Tổng Giám đốc gồm 34 thành viên, trong đó có 1 Tổng Giám đốc, 1 Giám đốc Pháp lý cao cấp và 32 Phó Tổng Giám đốc.

Tại Báo cáo bạch năm 2023 của Ernst & Young Việt Nam ghi nhận 1.376 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng đạt 296 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị khác đạt 833,7 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ khác 246,4 tỷ đồng.

3 Kiểm toán Big 4 "bỏ lọt" bất thường tại SCB: Bất ngờ với kết quả kinh doanh tại Việt Nam- Ảnh 2.

Tổng chi phí ở mức 1.362,4 tỷ đồng, trong đó chi phí tiền lương, thưởng của nhân viên 703,4 tỷ đồng, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp 1,05 tỷ đồng, chi phí khác ở mức 658 tỷ đồng.

Kết quả Ernst & Young Việt Nam báo lãi sau thuế năm 2023 đạt vỏn vẹn hơn 8 tỷ đồng, tăng trưởng tới 119% so với năm 2022.

Báo cáo minh bạch năm 2023 ghi nhận danh sách các kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận của Ernst & Young cập nhật đến 16/10/2023 gồm 29 người cả ở trụ sở chính và chi nhánh.

Danh sách các doanh nghiệp có lợi ích công chúng đã được Ernst & Young kiểm toán kéo dài đến con số 314 (cập nhật đến 28/9/2023 ), trong đó có nhiều doanh nghiệp tên tuổi như Tạp đoàn Hà Đô, như Kinh Bắc, như Sacombank, như Viecombank, MBB, hay HDBank…

Deloitte Việt Nam

Deloitte Touche Tohmatsu Limited là một công ty trách nhiệm hữu hạn thành lập tại Anh và Xứ Wales. Ở Việt Nam, Kiểm toán Deloitte có trụ sở chính tại quận Đống Đa, Hà Nội và chi nhánh công ty tại quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo minh bạch năm tài chính 2023 ghi nhận công ty có 69 kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận. Công ty này đã thực hiện kiểm toán cho 85 đơn vị có lợi ích công chúng.

Trong năm 2023, Deloitte ghi nhận tổng doanh thu đạt 567,8 tỷ đồng, giảm tới gần 50% so với năm 2022. Trong đó doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng đạt hơn 51 tỷ đồng, Doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị không có lợi ích công chúng đạt 493 tỷ đồng; doanh thu từ dịch vụ khác 12,2 tỷ đồng...

Tổng chi phí ở mức 537,5 tỷ đồng. Kết quả lãi sau thuế năm 2023 của Deloitt đạt 22 tỷ đồng.

3 Kiểm toán Big 4 "bỏ lọt" bất thường tại SCB: Bất ngờ với kết quả kinh doanh tại Việt Nam- Ảnh 3.

KPMG

Công ty TNHH KPMG có địa chỉ trụ sở chính tại tầng 46 toà tháp Keangnam, toà Landmark Tower, lô E6 PHạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội. Cơ cấu Ban Tổng Giám đốc của công ty gồm 20 người trong đó có Tổng Giám đốc và 19 Phó Tổng Giám đốc. Năm tài chính của KPMG bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. KPMG là công ty kiểm toán trong nhóm Big 4 có nhiều văn phòng đại diện nhất, hiện diện cả ở Thành phố Hồ Chí Minh, ĐàNẵng.

Báo cáo minh bạch năm tài chính kết thúc ngày 30/9/2023 ghi nhận KPMG có 41 kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận. Công ty này đã thực hiện kiểm toán cho 134 đơn vị có lợi ích công chúng trong năm 2023.

Trong năm 2023, tổng doanh thu của công ty đạt 669,3 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng đạt 144,2 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ khác đạt 525,1 tỷ đồng. Các chi phí ở mức cao lên tới 667,1 tỷ đồng, theo đó lãi sau thuế còn vỏn vẹn khoảng 2,2 tỷ đồng, tăng trưởng tới 53% so với năm trước đó.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem