Một số cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra ở Đức, trong đó có Werne, Rheinberg, Leipzig, Graben, Koblenz và Bad Hersfeld. Theo CNN, hơn 2.000 người tham gia đình công trong hai ngày tổ chức Amazon Prime Day 2019.
Đức là thị trường mua sắm trực tuyến lớn thứ hai của Amazon, sau Mỹ, sở hữu 18.000 nhân viên ở 12 kho hàng tại 11 địa điểm.
Khác với những năm trước, chương trình lần này sẽ kéo dài liên tiếp trong 48 giờ đồng hồ, chính thức bắt đầu từ 14h ngày 15/7 đến 13h59 ngày 16/7. Đây cũng là sự kiện giảm giá kéo dài nhất từ trước đến nay.
Hàng loạt lao động của Amazon ở bang Minnesota của Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan cũng tham gia kế hoạch này để yêu cầu điều kiện làm việc tốt hơn và mức lương cao hơn.
![]() |
Công nhân Amazon tổ chức các cuộc đình công ở Shakopee, Minnesota hôm 15/7. Ảnh: CNBC. |
Trong những năm gần đây, hãng luôn bị chỉ trích vì bắt nhân viên làm việc quá sức và yêu cầu khắt khe. Mặc dù năm ngoái nhân viên được tăng lương tối thiểu lên 15 USD mỗi giờ, bên cạnh đó, Amazon cũng tuyên bố sẽ đầu tư 700 triệu USD vào đào tạo kỹ thuật trong 6 năm tới nhưng nỗ lực này dường như chưa khiến họ hài lòng.
"Trong khi Amazon đem đến cơ hội mua sắm tốt, khiến hàng tỷ khách hàng nở nụ cười thì nhân viên phải đối mặt với guồng quay công việc trong thời gian ngắn", chuyên gia bán lẻ Verdi Orhan Akman nói.
Trước tình hình này, “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến khẳng định cuộc đình công không làm gián đoạn chương trình giảm giá, hoạt động giao hàng sẽ được đảm bảo. Ngoài ra, Amazon cho biết những nhóm biểu tình đang đưa ra thông tin sai lệch và khẳng định công ty luôn trả mức lương xứng đáng cũng như đem đến những lợi ích, môi trường làm việc an toàn cho công nhân.
Theo nghiên cứu của Coresight, doanh số toàn cầu trong hai ngày tổ chức Amazon cho Prime Day dự kiến đạt 5,8 tỷ USD. Năm ngoái, người tiêu dùng trên khắp thế giới đã tiêu thụ hơn 100 triệu sản phẩm, giúp Amazon “bỏ túi” 3,9 tỷ USD.
Gửi bình luận