Trường ngoài công lập nghiên cứu tuyển sinh đại học khi không dựa vào tổ hợp môn

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 24/12/2023 16:44 PM (GMT+7)
Từ năm 2025, lứa học sinh học theo chương trình GDPT 2018 sẽ thi tốt nghiệp theo cách mới, do đó, việc tuyển sinh cao đẳng, đại học cũng không dựa trên tổ hợp các khối môn như trước đây.
Bình luận 0

Vừa qua, Câu lạc bộ Các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập đã tổ chức tọa đàm về việc tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 tại Trường ĐH FPT (TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Thích ứng tuyển sinh khi không còn khái niệm tổ hợp môn

TS.Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhận định, từ năm 2025 trở đi, phương thức tuyển sinh của các trường đại học sẽ phải thay đổi.

Nguyên nhân là vì năm 2025 sẽ có lứa học sinh đầu tiên học chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 (lớp 10 học từ năm 2022). Đây là lứa học sinh có sự thay đổi về môn học và môn thi tốt nghiệp. 

Trường ngoài công lập nghiên cứu tuyển sinh đại học khi không dựa vào tổ hợp môn - Ảnh 1.

Từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT sẽ gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Ảnh: M.Q

Cụ thể, từ năm lớp 10 (năm 2022), các em được học môn học bắt buộc và tự chọn. Môn bắt buộc gồm Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục của địa phương. Các môn tự chọn (học sinh chọn 4 môn) gồm: Địa lý, Sinh học, Hóa học, Vật lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Ông Tùng cho biết, theo phương án thi tốt nghiệp năm 2025 vừa được Bộ GDĐT công bố, học sinh sẽ chỉ thi 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong tổng số 9 môn còn lại: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Như vậy, các thí sinh sẽ có môn học và môn thi không giống nhau. Các trường dù tuyển sinh theo học bạ hay kết quả tốt nghiệp THPT thì phải chấp nhận thực trạng là thí sinh có môn giống nhau (Toán, Văn) hoặc dựa trên học bạ thì có 4 môn giống nhau là Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử.

"Khi đó, khái niệm về các tổ hợp như A, A1,A0... không còn ý nghĩa nữa. Nếu chúng ta bám vào tổ hợp thì rất nhiều em không thi theo tổ hợp đó, không hẳn là tổ hợp đó. Do đó, chúng ta phải có cách thức để đảm bảo quyền lợi cho người học", ông Tùng nói. 

Trường ngoài công lập nghiên cứu tuyển sinh đại học khi không dựa vào tổ hợp môn - Ảnh 3.

TS.Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT trao đổi về phương án tuyển sinh 2025. Ảnh: M.Q

Cũng theo ông Tùng, định hướng của Bộ GDĐT đối với việc tuyển sinh đại học vẫn là trao cho các trường tự chủ tuyển sinh, tổ chức công bằng giữa các thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội.

Nói thêm về phương thức tuyển sinh của Trường Đại học FPT, TS.Lê Trường Tùng cho biết, vài năm qua, nhà trường sử dụng hệ thống có tên là FPT SchoolRANK. Hệ thống này sẽ xếp hạng học sinh phổ thông trên cả nước, dựa trên kết quả học bạ hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT. Dựa trên hệ thống này, trường tuyển các học sinh nằm trong top 40 của cả nước.

"Học sinh có thể vào hệ thống FPT SchoolRANK để khai báo số liệu của mình và hệ thống tính toán, cấp chứng nhận. Từ kết quả này, học sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển cho nhà trường nếu đủ tiêu chí. Công thức tính toán dựa vào điểm lớp 11, 12", ông Tùng cho biết.

Được biết, năm 2025, hệ thống FPT SchoolRANK sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp với việc tuyển sinh thực tế. Tuy nhiên, với phương án này, việc  tuyển sinh khi có sự thay đổi, không dựa vào tổ hợp môn sẽ không có quá nhiều khó khăn.

Bài toán về chỉ tiêu tuyển sinh

TS.Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, công tác tuyển sinh là một vấn đề được các trường ngoài công lập quan tâm hàng đầu. Công tác này luôn phải đối mặt với tính cạnh tranh, trên cơ sở cùng hợp tác và phát triển.

Trường ngoài công lập nghiên cứu tuyển sinh đại học khi không dựa vào tổ hợp môn - Ảnh 5.

Toàn cảnh hội nghị về tuyển sinh đại học, cao đẳng 2025. Ảnh: M.Q

Các trường thực hiện xác định chỉ tiêu ở một thời điểm cụ thể, dựa trên năng lực đào tạo, nhưng kết quả tuyển sinh lại phụ thuộc vào nhu cầu của người học, nên nguy cơ tuyển vượt chỉ tiêu hoàn toàn có thể xảy ra, dễ bị Bộ GDĐT xử phạt.

Từ đó, TS.Trần Ái Cầm đặt vấn đề, nên chăng Bộ GDĐT cho phép các trường đại học được chủ động; tùy thời điểm tuyển sinh, nếu sử dụng chỉ tiêu bị vượt thì có thể điều chỉnh với các hình thức đào tạo khác, miễn tổng chỉ tiêu đào tạo của các trường vẫn nằm trong chỉ tiêu năng lực mà trường đã xác định.

Về điều này, TS.Lê Trường Tùng nhận định là một khó khăn mà các trường đang gặp. Bởi lẽ, tuyển sinh đủ, đúng với đề án tuyển sinh là vô cùng khó, các trường thường chọn phương án tuyển sinh lố hơn là tuyển sinh không đạt chỉ tiêu".

Tương tự, ông Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin cho biết, trước đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho từng ngành đào tạo chứ không cấp chỉ tiêu cho tổng số ngành như Bộ GDĐT. Việc này cũng khiến trường cao đẳng gặp khó trong khâu tuyển sinh, bởi chỉ tiêu cấp theo ngành, nếu tuyển vượt sẽ phạt; trong khi các ngành khác không tuyển được cũng không thể phân bổ cho ngành tuyển được.

Theo ông Đông, đây là quy định cứng nhắc, cần điều chỉnh để gỡ vướng cho các trường. 

Về vấn đề thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, TS.Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) chia sẻ, kỳ thi sẽ dần dần trả lại mục đích cho nó là chỉ chủ yếu đánh giá kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông. 

Đối với việc tuyển sinh vào các trường đại học, ông Hiển cho rằng, các trường cần thoát ra khỏi việc sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì đề thi không còn tính phân hóa cao. Thay vào đó, từng trường đại học cần tìm ra giải pháp tuyển sinh phù hợp cho mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem