Thêm nhiều trường xét 5-6 điểm mỗi môn: Các trường đại học lý giải

Tào Nga Thứ năm, ngày 16/05/2024 06:27 AM (GMT+7)
Dư luận lo lắng khi chỉ từ 5 điểm mỗi môn thí sinh vẫn trúng tuyển loạt các trường đại học, các trường đại học nói gì?
Bình luận 0

Điểm chuẩn xét học bạ nhiều trường lấy từ 5-6 điểm

Mới đây, thêm hàng loạt các trường công bố điểm chuẩn 2024 xét theo phương thức học bạ. Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức xét tuyển học bạ kết hợp đợt 1 năm 2024 cho 45 ngành/chương trình đào tạo với mức điểm dao động từ 18 - 26. Điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh có điểm trung bình các môn trong tổ hợp xét tuyển của 3 học kỳ (học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 18 điểm trở lên.

Điểm chuẩn thấp nhất là các ngành/chương trình đào tạo tại Vĩnh Phúc như: Kế toán doanh nghiệp, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ, Công nghệ kỹ thuật ô tô cùng lấy điểm chuẩn 18.

Thêm nhiều trường xét 5-6 điểm mỗi môn: Các trường đại học lý giải- Ảnh 1.

Thí sinh tham khảo các ngành nghề trong ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Tào Nga

Học viện Hàng không vừa công bố điểm chuẩn học bạ đợt đầu, trong đó, các ngành có điểm thấp nhất gồm: Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, đều lấy 18 điểm. Như vậy, chỉ cần trung bình 6 điểm/môn, thí sinh có thể trúng tuyển.

Trường Đại học Đại Nam công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm theo phương thức xét học bạ THPT đợt 1 năm 2024 cho 36 ngành đào tạo hệ đại học chính quy, nhưng có đến 33 ngành điểm chuẩn là 18 điểm. 

Trường Đại học Hòa Bình công bố điểm chuẩn xét học bạ từ 17-24 điểm, cao nhất ở khối ngành sức khỏe. Điểm chuẩn ở phương thức kết hợp học bạ kết hợp thi năng khiếu là 15 điểm.

Hội đồng Tuyển sinh Trường Đại học Phan Thiết công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển sớm là 6,5 điểm trên thang điểm 10 ở ngành kỹ thuật xét nghiệm y học và 6,0 điểm ở các ngành còn lại.

Trường đại học Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương gây bất ngờ hơn khi công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ THPT năm 2024 từ 15 - 22 điểm, ngoại trừ khối ngành sức khỏe.

Điều này có nghĩa là thí sinh chỉ cần có điểm học bạ THPT từ 5 điểm đã trúng tuyển trường đại học. Điểm xét tuyển trên đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng nếu có. Với thí sinh có điểm ưu tiên, thực tế điểm học bạ thấp hơn 5 điểm/môn cũng trúng tuyển đại học.

"Nên trao cho các em cơ hội học tập"

Nêu quan điểm về điểm chuẩn 5-6 trúng tuyển đại học, chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, cho biết: "Đúng là nếu điểm đầu vào quá thấp thì để đảm bảo chất lượng đầu ra là một thách thức. Tất nhiên trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang xem điểm số là thước đo quan trọng thể hiện chất lượng nguồn tuyển sinh.

Theo quan điểm của đào tạo theo chuẩn đầu ra (OBE-Outcome-Based Education): Đầu ra = Đầu vào + Quá trình.

Như vậy, nếu đầu vào quá thấp thì để đảm bảo chuẩn đầu ra, trong quá trình người học phải nỗ lực rất nhiều. Trong khi đó, hiện nay hầu hết các bộ tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo là đánh giá sự cải tiến và quy trình để duy trì và cải tiến chất lượng đào tạo. Thế nên không thể nói một chương trình đào tạo đã được kiểm định thì chất lượng của quá trình đào tạo được nâng lên đáng kể so với các chương trình đào tạo chưa kiểm định khi so sánh cùng các điều kiện khác của đầu vào. Một cách rộng hơn, không phải cứ sinh viên tốt nghiệp các ngành được kiểm định của các cơ sở đào tạo khác nhau có chất lượng như nhau".

Ths. LS Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, nêu quan điểm: "Chất lượng của sinh viên không phản ánh từ điểm đầu vào mà thuộc về quy trình đào tạo của trường đại học đó để cung ứng chất lượng đầu ra sao cho tốt nhất. Sản phẩm đầu ra mới là thước đo đánh giá được chất lượng đào tạo của trường.

Theo tôi, để học sinh tìm được một chỗ học là điều nên làm vì rất tốt, rất cần thiết. Các em có mức 5 điểm hay 10 điểm không quan trọng bằng việc trao cho các em có cơ hội học tập và khi đã trúng tuyển rồi các em cần tập trung học lấy kiến thức. Môi trường đại học cũng sẽ tạo cho các em có được đời sống lành mạnh. Dù "mở" nhưng chúng ta cần giám sát, đảm bảo cung ứng đúng chất lượng".

Ths. LS Trịnh Hữu Chung cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn tuyển việc làm thiên về bằng cấp rồi mới đánh giá theo năng lực. Trong khi đó, chính việc xét năng lực của sinh viên ra trường mới biết được chất lượng đào tạo giữa các trường ra sao.

Trước ý kiến vào đại học hiện nay dễ hơn trượt, theo Ths Chung, không phải chúng ta tuyển ào ào thí sinh mà mỗi phương thức xét tuyển đều có những tiêu chí cụ thể, phù hợp để xét tuyển.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT nêu quan điểm: "Giáo dục mà nhấn mạnh điểm đầu vào thì không ổn. Phải khẳng định rằng chất lượng đào tạo sinh viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điểm đầu vào chỉ là một trong những yếu tố đó thôi. Tất nhiên, điểm trúng tuyển vào thấp thì chắc chắn quá trình dạy học sẽ khó khăn hơn so với các em điểm đầu vào cao, trừ trường hợp em nào giỏi giang nhưng lại "học tài thi phận".

Bên cạnh đó, điểm chuẩn năm nay không nói lên được năng lực chung của học sinh. Có thể khoảng điểm 5-7 của năm nay lại tương đương với 18-20 điểm năm trước hoặc cũng có thể thấp hơn. 

Tôi cho rằng, đây cũng là nỗ lực của cả sinh viên, giảng viên, nhà trường. Với các nhà trường cũng phải cân nhắc việc tuyển sinh với mức điểm chuẩn thấp. Bởi vì có những ngành, những trường có thế mạnh về nghiên cứu mà điểm đầu vào thấp thì các em khó theo con đường này. Vì vậy, các trường phải đưa ra mức điểm hợp lý, tránh "vơ bèo vạt tép", "sống chết mặc bay", cứ nhận sinh viên vào rồi không đảm bảo được chất lượng đầu ra.

Bản thân người học phải nỗ lực hết mình trong quá trình học tập. Trong trường hợp không thể học tập, các em có thể xem xét việc học nghề, học cao đẳng để phù hợp hơn với năng lực của mình".

TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Giám đốc phân hiệu Ninh Thuận cho rằng: "Điểm chuẩn 15 là mức trung bình, đương nhiên là sẽ lo ngại về vấn đề chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề này cần phân thành 2 nhóm: Một là, các trường, các ngành không khó khăn trong việc tuyển thậm chí tuyển vượt nhiều mà để mức chuẩn 15 là điều không nên (vượt vài % có thể là vấn đề kỹ thuật, ngoài tầm..).

Hai là, các trường hoặc một số ngành trong trường khó tuyển hoặc các phân hiệu tại các tỉnh rất khó khăn cả về ngành tuyển và vùng tuyển thì cũng nên thấu hiểu sự khó của họ. Các trường đã cố gắng hết sức để tồn tại. Nếu điểm chuẩn trung bình mà các cơ sở giáo dục đó nỗ lực đào tạo đạt chuẩn đầu ra cũng cần sự động viên. Rất đáng tiếc cũng có những ngành học khó khăn trong các trường danh giá, nguồn nhân lực khan hiếm nhưng chưa được thí sinh quan tâm.

Trường Đại học Nông lâm TP.HCM có cả 3 mức chuẩn: Trên 25 (có ngành lên đến 27,7 học bạ và 26,5 thi tốt nghiệp THPT), nhóm 20-25 (chiếm đa số) và nhóm 3 dưới 20 (ngành khó tuyển như Lâm nghiệp, Phát triển nông thôn).

Như vậy, ngoài sự nỗ lực của các nhà trường, nhà nước cần có những chính sách phù hợp đối với đặc biệt nhóm ngành trọng yếu của quốc gia…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem