Phát hiện bí mật này của Nga khiến Mỹ 'sốc' nặng; Moscow hủy diệt 6 'vũ khí thần kỳ' của Ukraine

Phương Đăng (theo Reuters) Thứ tư, ngày 01/05/2024 09:02 AM (GMT+7)
Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận, Nga đang sản xuất vũ khí với tốc độ nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại, bao gồm cả Chiến tranh Lạnh. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bắn hạ 6 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất - được ca ngợi là "vũ khí thần kỳ" có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế trên chiến trường.
Bình luận 0

Tốc độ sản xuất vũ khí nhanh thần tốc của Nga

Phát hiện bí mật này của Nga khiến Mỹ 'sốc' nặng; Moscow hủy diệt 6 'vũ khí thần kỳ' của Ukraine- Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm một nhà máy sản xuất đạn dược. Ảnh Bộ Quốc phòng Nga.

Trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende tại Riyadh ngày 29/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken thừa nhận, Nga đang sản xuất đạn dược, tên lửa, xe tăng và xe bọc thép với tốc độ nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại, bao gồm cả năng lực sản xuất của họ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

“Sao họ có thể làm được điều đó? Bởi vì nước này đang nhận được lượng lớn máy công cụ, vi điện tử, quang học, hầu hết đến từ Trung Quốc. 70% máy công cụ, 90% thiết bị vi điện tử (của Nga) đều đến từ Trung Quốc. Bây giờ, đây là những mặt hàng có công dụng kép. Chúng tôi biết rất rõ ràng rất nhiều loại trong số chúng sẽ đi về đâu", ông Blinken nói.

Mỹ đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Nga và ngừng hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Nga. Mỹ tin rằng Trung Quốc không cung cấp vũ khí thực sự cho Nga như Triều Tiên hay Iran, tuy nhiên, sự đóng góp của Bắc Kinh vẫn rất cần thiết đối với Nga. Các thành phần Bắc Kinh cung cấp cho Nga bao gồm các hạng mục như máy công cụ, vi điện tử và quang học bị cáo buộc có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Trước đó, ông Blinken đã thẳng thừng nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng họ đang "gây ra mối đe dọa lớn nhất" đối với an ninh châu Âu kể từ Chiến tranh Lạnh trong chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 23 đến 26/4.

Nga bắn hạ 6 "vũ khí thần kỳ" Mỹ cấp cho Ukraine

Theo Reuters, các quan chức Nga hôm thứ Ba 30/4 cho biết, trong nỗ lực xuyên thủng hệ thống phòng không của Nga ở Crimea, Ukraine đã tấn công bán đảo này bằng tên lửa chiến thuật ATACMS - thứ vũ khí do Mỹ sản xuất được ca ngợi là "thần kỳ" vì có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế trên chiến trường.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, 6 tên lửa chiến thuật ATACMS Mỹ cung cấp cho Ukraine đã bị bắn hạ.

"10 máy bay không người lái Ukraine, 6 tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất và hai quả bom dẫn đường Hammer do Pháp sản xuất đã bị lực lượng phòng không bắn hạ", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Bộ Quốc phòng Nga không cho biết tên lửa bị bắn hạ ở đâu, nhưng ông Sergei Aksyonov, thống đốc Crimea do Nga bổ nhiệm, trước đó đăng trên tài khoản Telegram bức ảnh ông mô tả là đạn con chưa nổ của tên lửa ATACMS.

"Nếu mọi người nhìn thấy nó, đừng nhặt lên cũng đừng đến gần, hãy thông báo cho Bộ Tình trạng Khẩn cấp hoặc Bộ Nội vụ", Aksyonov cho hay nhưng không nêu rõ thời điểm và số lượng tên lửa ATACMS bị bắn hạ.

Nghị sĩ Nga Leonid Ivlev, người từng phục vụ trong Lực lượng Không quân Liên Xô, cũng cho biết Ukraine đã tấn công các căn cứ không quân của Nga ở Crimea bằng 12 tên lửa ATACMS. Ông Ivlev đồng thời cảnh báo thêm rằng các cuộc tấn công như vậy có thể gia tăng trước lễ nhậm chức của Tổng thống Vladimir Putin cho nhiệm kỳ mới vào tuần tới.

“Mục tiêu của họ là các sân bay. Các tên lửa đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt”, ông Ivlev nói với hãng tin RIA. Ông cho biết thêm rằng, Ukraine đang sử dụng tên lửa ATACMS để cố gắng xuyên thủng lá chắn phòng không của Nga ở Crimea để sau đó tấn công vào các cơ sở chiến lược quan trọng.

Mỹ và Ukraine hiện chưa lên tiếng về thông tin trên. Một quan chức Mỹ trước đó thừa nhận với Reuters rằng tên lửa ATACMS đã được Ukraine sử dụng lần đầu tiên vào rạng sáng ngày 17/4, nhằm vào một sân bay của Nga ở Crimea, cách tiền tuyến Ukraine khoảng 165 km.

Giới chức Mỹ cũng xác nhận, một số lượng đáng kể tên lửa ATACMS có tầm bắn xa tới 300km đã được chuyển đến Ukraine trong tháng 4. Loạt tên lửa này nằm trong gói viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine trị giá 300 triệu USD được Tổng thống Joe Biden phê duyệt tháng trước. Các tên lửa ATACMS tầm trung, với tầm bắn thấp hơn, vốn đã được Mỹ cung cấp cho Ukraine vào tháng 9 năm ngoái.

Mỹ từng từ chối chuyển mẫu ATACMS có tầm bắn 300km cho Kiev vì lo ngại Ukraine tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, làm leo thang chiến sự và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Moscow và Washington, cũng như ảnh hưởng tới năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ nhưng sau đó đã thay đổi quyết định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem