Những kỳ họp Quốc hội bất thường về công tác nhân sự

PV Thứ tư, ngày 01/05/2024 13:55 PM (GMT+7)
Với việc tổ chức kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội khóa XV sẽ có 7 kỳ họp bất thường kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, trong đó có 5 kỳ họp xem xét công tác nhân sự.
Bình luận 0

Ngày 1/5, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành thông cáo về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Theo đó, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Với việc tổ chức kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội khóa XV sẽ có 7 kỳ họp bất thường kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, trong đó có 5 kỳ họp để xem xét nội dung nhân sự.

Những kỳ họp Quốc hội bất thường về công tác nhân sự- Ảnh 1.

Quang cảnh một kỳ họp của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 tổ chức ngày 5/1/2023, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam. 

Đồng thời, Quốc hội tiến hành quy trình phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.

Các quy trình này được thực hiện nhanh chóng để kịp thời đồng bộ với những quyết định mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra tại kỳ họp Trung ương bất thường diễn ra một tuần trước đó.

Chưa đầy hai tuần kể từ cuộc họp bất thường lần thứ 2, chiều 18/1/2023, Quốc hội tiếp tục tổ chức kỳ họp bất thường lần 3 để tiến hành quy trình miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Kỳ họp bất thường lần thứ 4 diễn ra trong sáng 2/3/2023, cũng nhằm kiện toàn công tác nhân sự với việc bầu Chủ tịch nước thay ông Nguyễn Xuân Phúc.

Sau khi thảo luận và bỏ phiếu kín, Quốc hội thống nhất cao bầu ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, giữ cương vị Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Kỳ họp bất thường lần thứ 6 diễn ra vào tháng 3/2024, để tiến hành quy trình nhân sự thuộc thẩm quyền.

Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 6 đã miễn nhiệm các chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh đối với ông Võ Văn Thưởng; đồng thời cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Thưởng.

Quốc hội cũng đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 7 diễn ra trong bối cảnh chỉ còn gần 20 ngày nữa là khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc ngày 20/5). Số lượng kỳ họp bất thường vì thế sẽ bằng với số kỳ họp thường kỳ của Quốc hội. Đây là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 78 năm hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Quốc hội khóa XV cũng nhiều lần nhận định các kỳ họp "bất thường" đã trở thành "bình thường", nhằm đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Trước đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hôm 26/4, T.Ư Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. T.Ư Đảng cũng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.

Theo luật định, Chủ tịch Quốc hội là chức danh do Quốc hội bầu và miễn nhiệm. Do đó, công tác nhân sự thuộc thẩm quyền mà Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 7 là miễn nhiệm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ theo chủ trương T.Ư Đảng đã quyết định.

Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ còn là đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu TP.Hải Phòng. Do đó, quy trình miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ bao gồm cả việc miễn nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem