Thứ hai, 13/05/2024

Một góc nhìn về tục thờ Ông Địa - Thần Tài

16/06/2022 6:00 PM (GMT+7)

Ông Địa được xem là vị thần trông coi khu đất nơi ngôi nhà của gia chủ đang tọa lạc. Thần Tài được xem là vị thần phò hộ tài lộc và may mắn trong làm ăn mua bán. Hai vị thần thường được thờ chung trong một trang thờ đặt trên nền nhà, bên trong có hai pho tượng.



Tập tục thờ cúng Ông Địa - Thần Tài ở Nam Bộ bắt nguồn từ quá trình tiếp xúc và tiếp biến văn hóa của người Việt với cộng đồng người Hoa. Ông Địa được xem là vị thần trông coi khu đất nơi ngôi nhà của gia chủ đang tọa lạc. Thần Tài được xem là vị thần phò hộ tài lộc và may mắn trong làm ăn mua bán. Hai vị thần thường được thờ chung trong một trang thờ đặt trên nền nhà, bên trong có hai pho tượng. Tượng Ông Địa là cụ già mập mạp, bụng phệ, miệng vui cười, mặc trang phục bình dân và để hở ngực, đầu vấn khăn. Tượng Thần Tài là một cụ già râu dài và bạc, mặc quan phục nghiêm trang, đầu đội mão, tay cầm thỏi vàng.

Một góc nhìn về tục thờ Ông Địa - Thần Tài - Ảnh 1.

Bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa của một gia đình ở vùng nông thôn của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: DUY KHÔI


Quan niệm về các dạng thức của thần đất đai và thần tài lộc của người Hoa rất đa dạng. 

Về thần đất đai, có thể liệt kê một số danh xưng tiêu biểu. Xã Thần là một danh xưng Thần đất đai, thường đi đôi với Tắc Thần là Thần ngũ cốc. Thổ Địa hay Thổ Công là những vị thần quản lý một vùng đất nhỏ. Lại có quan niệm cho rằng Hậu Thổ chính là Địa Mẫu, cai quản mặt đất rộng lớn và Hậu Thổ đối xứng với Hoàng Thiên; tuy nhiên cũng có ý kiến rằng Hậu Thổ là vị thần trông coi khu đất tại các phần mộ. Phước Đức Chánh Thần là mỹ danh dành cho các vị thần bảo hộ nói chung; cũng được đồng hóa với Xã Thần, Thổ Thần, Thổ Địa, Thổ Công, Thổ Địa Công… Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần là 5 vị thần đất khu vực gia cư. Đông phương, hành Kim, thờ Môn Thần (thần cửa). Tây phương, hành Mộc, thờ Hộ Thần (thần nhà). Nam phương, hành Hỏa, thờ Táo Thần (thần bếp). Trung Phương, hành Thổ, thờ Thổ Thần (thần đất). Bắc phương, hành Thủy, thờ Tỉnh Thần (thần giếng).

Về thần tài lộc, thường được biết đến có Tài Bạch Tinh Quân là tinh tú trên trời; Phước Đức Chánh Thần vừa trình bày bên trên, cũng được xem là vị thần có công năng ban phát tài lộc. Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần là sự kết hợp giữa dạng thức của thần đất đai và thần tài lộc, như trong danh xưng vừa có yếu tố “Địa Chủ” cũng có yếu tố “Tài Thần”. Thần hiệu nầy cũng được gọi ngắn gọn là Địa Chủ Tài Thần hoặc Địa Chủ Gia.

Theo quy luật Ngũ hành tương sinh thì Thổ sinh Kim, nên thần đất đai nói chung được người Hoa xem là có chức năng ban phát tài lộc. Từ đó, các vị thần đất đai có chức năng “chiêu tài”. Vì thế, thần đất đai có thêm vai trò là thần tài lộc. Nói cách khác, Thổ Địa của người Hoa cũng chính là Thần Tài.

*    *    *

Trong văn hóa Việt đã có những vị thần đất đai với các danh xưng khác nhau như Thổ Địa, Thổ Thần, Thổ Công, Ông Địa… Trong đó, hình tượng Ông Địa ở phương Nam đã đưa quan niệm Thổ Thần trừu tượng thành một hình ảnh cụ thể và mang đậm chất Nam Bộ.

Khi người Hoa di cư sang Nam Bộ, trong văn hóa Việt đã có thần đất đai, còn trong văn hóa người Hoa thì thần đất đai cũng là thần tài lộc. Do đó, người Việt đã đón nhận hình tượng Thổ Địa của người Hoa, nhưng chỉ tiếp nhận chức năng thần tài lộc của vị thần ấy. Đi vào văn hóa Việt là hình ảnh ông cụ râu dài và bạc, mặc quan phục, đầu đội mão, tay cầm thỏi vàng… được người Việt gọi là Thần Tài, chứ không phải Thổ Địa như nguyên bản. Song song đó, người Việt vẫn giữ lại hình tượng Ông Địa của mình. 

Sau khi người Việt tiếp biến, hình thành nên hình tượng Ông Địa - Thần Tài đầy độc đáo ở Nam Bộ, cộng đồng người Việt và Hoa cũng ảnh hưởng nhau trong hình thức thờ cúng. Người Hoa chịu ảnh hưởng từ người Việt trong việc cúng Ông Địa bằng những vật phẩm như trái cây, cà phê, thuốc lá, thậm chí là cá lóc nướng trui… Ngược lại, người Hoa cho rằng Thổ Thần thích ăn tỏi, nên khi cúng Ông Địa có tập tục cúng tỏi, điều này cũng được người Việt tiếp nhận. Ngoài ra, trang thờ Ông Địa - Thần Tài của người Hoa còn có thêm bài vị hoặc tranh kiếng có viết thần hiệu bằng chữ Hán với nội dung “Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần - Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần”. Hình thức này về sau ảnh hưởng sang người Việt.

Tuy có nhiều ảnh hưởng qua lại, nhưng hai tộc người vẫn có những khác biệt trong nhận thức về Ông Địa - Thần Tài. Người Hoa có tập tục cúng Thần Tài vào mùng 2 và 16 âm lịch hằng tháng, hoặc vào mùng 10 âm lịch suốt năm tháng từ tháng giêng đến tháng năm hằng năm. Vào mùng 9 tháng giêng âm lịch, người Hoa làm lễ vía Ngọc Hoàng, sang hôm sau mùng 10 thì làm lễ vía Thổ Địa. Tuy nhiên, với người Việt, ngày này được gọi là vía Thần Tài, chứ không là vía Thổ Địa. 

*    *    *

Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu phân tích sự khác nhau giữa các dạng thức thần đất đai và thần tài lộc. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi xin góp một góc nhìn rằng sự phân biệt trên đôi khi không thực sự cần thiết. Bởi vì thực tế thực hành tín ngưỡng trong dân gian đôi lúc cho thấy không có sự phân biệt rạch ròi. Có lần, chúng tôi khảo sát thực tế tại miếu Quan Đế, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Trong miếu, bàn thờ Phước Đức Chánh Thần nằm bên trái so với bàn thờ vị thần chính của miếu là Quan Đế. Trên bàn thờ, tượng Phước Đức Chánh Thần là một cụ già râu bạc dài tới ngực, mặc áo choàng và đội mão đều màu vàng. Tuy nhiên, đáng chú ý là trên bàn thờ ấy có cả hai cặp tượng (bốn pho tượng) Thổ Địa và Thần Tài theo phong cách của người Việt với kích thước nhỏ hơn, đồng thời có cả bài vị Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần - Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần.

Thờ cúng thần đất đai và thần tài lộc là hiện tượng phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nền văn hóa nông nghiệp, trong đó có Việt Nam với sự đa dạng trong niềm tin và thực hành tín ngưỡng. Trong văn hóa Việt Nam, Ông Địa - Thần Tài là kết quả của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa và các cộng đồng đã khéo léo xử lý một cách dung hòa để đón nhận những giá trị tốt đẹp của nhau. Qua tín ngưỡng Ông Địa - Thần Tài, người bình dân gởi gắm ước mơ giản đơn trong đời sống hằng ngày, hy vọng được thần linh che chở và phò hộ những điều may mắn.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

D-Joy: Khu giải trí "trên cả hấp dẫn" đáp ứng "cơn khát" sinh hoạt cho người dân TP.HCM

D-Joy: Khu giải trí "trên cả hấp dẫn" đáp ứng "cơn khát" sinh hoạt cho người dân TP.HCM

Chiều ngày 11/5/2024, tại quảng trường trung tâm Công viên bờ sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức), D-Joy, tổ hợp vui chơi, giải trí pop-up được đầu tư bởi DHA Corporation đã chính thức khai trương. Theo đó, hơn 5.000 khách hàng đã đến tham gia trải nghiệm, vui chơi.

Điều thú vị về món ăn Hoa hậu Mỹ Linh thưởng thức tại Thượng Hải

Điều thú vị về món ăn Hoa hậu Mỹ Linh thưởng thức tại Thượng Hải

Mỹ Linh ấn tượng với chất lượng thơm ngon của món mì cua và bánh bao nước.

Đà Lạt gia hạn thời gian hoạt động thí điểm xe bus du lịch 2 tầng

Đà Lạt gia hạn thời gian hoạt động thí điểm xe bus du lịch 2 tầng

Dịch vụ xe bus 2 tầng thoáng nóc (mui trần) phục vụ du khách tại thành phố cao nguyên Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng mới được gia hạn thời gian hoạt động thí điểm vì đã mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.

Nghề hướng dẫn viên du lịch vừa làm, vừa chơi?

Nghề hướng dẫn viên du lịch vừa làm, vừa chơi?

Không phong lưu, nhàn tản như nhiều người nghĩ, nghề hướng dẫn viên du lịch được coi là nghề “làm dâu trăm họ” với nhiều khó khăn và đòi hỏi khắt khe.

Tranh cãi nhà hàng phục vụ trứng bạch tuộc sống ở Singapore

Tranh cãi nhà hàng phục vụ trứng bạch tuộc sống ở Singapore

Chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra giận dữ khi nhà hàng phục vụ món trứng bạch tuộc sống. Ngoài tự nhiên, quá trình ấp trứng của loài này lên đến 4 năm.

Chi tiết hoạt động, sự kiện Lễ hội Sông nước TP.HCM năm 2024

Chi tiết hoạt động, sự kiện Lễ hội Sông nước TP.HCM năm 2024

Lễ hội Sông nước TP.HCM năm 2024 là chuỗi hoạt động du lịch - văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao - ẩm thực - mua sắm...