68% công việc đòi hỏi kỹ năng số, học sinh chọn ngành học thế nào để ra trường không thất nghiệp?

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 02/03/2024 13:41 PM (GMT+7)
Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện nay đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số cơ bản và 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu... Điều này đòi hỏi học sinh phải có sự định hướng, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để tránh "lệch pha" khi bước vào thị trường lao động.
Bình luận 0

Sáng 2/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên phối hợp cùng Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố, Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Tân Bình tổ chức Ngày hội "Hướng nghiệp, tuyển sinh" lần 12 năm 2024 tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình.

Ngày hội thu hút trên 20 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hơn 3.200 học sinh đến từ các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tham gia.

Chọn nghề nghiệp tương lai là chuyện không đơn giản

Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM chia sẻ, hoạt động hướng nghiệp ngày càng được xã hội quan tâm, nhất là phụ huynh và các em học sinh.

68% công việc đòi hỏi kỹ năng số, học sinh chọn ngành học thế nào để ra trường không thất nghiệp?- Ảnh 1.

Học sinh chăm chú nghe tư vấn hướng nghiệp tại Ngày hội "Hướng nghiệp, tuyển sinh" lần 12 năm 2024. Ảnh: M.Q

Để tự xác định và tìm được một ngành, nghề phù hợp với mong muốn của bản thân, cũng như yêu cầu phát triển của xã hội là một điều không hề đơn giản, thậm chí là rất khó với các em học sinh bậc THCS, THPT.

Với các chương trình thiết thực như cho học sinh làm bài trắc nghiệm về xu hướng nghề nghề của bản thân; giao lưu, trao đổi trực tiếp với chuyên gia; tìm hiểu và tư vấn hướng nghiệp trực tiếp tại các gian hàng, chương trình giúp học sinh tự chủ hơn trong việc tìm hiểu và chọn ngành, nghề trên cơ sở phù hợp giữa năng lực và sở thích cá nhân với nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và giảm thiểu chi phí xã hội.

Trao đổi với Dân Việt, chị Phạm Hằng, phụ huynh có con học THCS tại quận 6, TP.HCM cho biết, chị cùng con tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp để tìm hiểu kỹ hơn về xu hướng nghề nghiệp, các chương trình đào tạo hệ trung cấp và nhu cầu việc làm sau khi tốt nghiệp trung cấp...

68% công việc đòi hỏi kỹ năng số, học sinh chọn ngành học thế nào để ra trường không thất nghiệp?- Ảnh 2.

Học sinh quan tâm nhiều về đầu ra sau khi học trung cấp, cao đẳng. Ảnh: M.Q

Chị Hằng cho biết do điều kiện gia đình cũng như mong muốn rút ngắn thời gian học của con, gia đình đã cùng bàn bạc về định hướng học tập sau bậc THCS. Tuy nhiên, chị còn nhiều khúc mắc muốn được tư vấn.

"Ở độ tuổi 15, tôi lo lắng con sẽ không đáp ứng được khi vừa học nghề vừa học chương trình phổ thông. Tôi cũng đắn đo, không biết lựa chọn ngành nghề nào là phù hợp với xu hướng, chương trình đào tạo các trường như thế nào, tốt nghiệp trung cấp tay nghề sẽ ra sao, có xin được việc không hay phải đi học nữa... 

Trong buổi tư vấn hôm nay, tôi và con đã được giải đáp các thắc mắc và cũng tin tưởng với lựa chọn như dự định", chị Hằng chia sẻ.

Phụng Yến, học sinh lớp 9 Trường THCS Lam Sơn (quận 6), cho biết em tham gia ngày hội hướng nghiệp để tìm hiểu các ngành nghề đào tạo, xem thử bản thân phù hợp với ngành nào. Dù định hướng sẽ thi vào lớp 10 THPT công lập, nhưng Yến cho rằng chương trình tư vấn hướng nghiệp giúp em và các bạn học sinh được tiếp cận sớm với những xu hướng nghề nghiệp, những lời tư vấn bổ ích để định hướng và hoàn thiện, sớm gia nhập nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai.

Dự báo 4 xu hướng việc làm

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, chia sẻ xét về tổng thể, Việt Nam trong đó có TP.HCM đang khắc phục những khó khăn về kinh tế mà nhiều năm trước bị ảnh hưởng, đang tạo đà khởi sắc từ năm 2024 và mở rộng từ 2025 cũng như các năm tiếp theo mức ở độ ổn định hơn.

68% công việc đòi hỏi kỹ năng số, học sinh chọn ngành học thế nào để ra trường không thất nghiệp?- Ảnh 3.

Ông Trần Anh TuấnTuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM trao đổi với học sinh về định hướng nghề nghiệp. Ảnh: M.Q

Đối với thị trường lao động, nền tảng lao động truyền thống của thị trường vẫn còn, nhưng sẽ có nhiều thay đổi mà dễ thấy nhất là sự tác động của công nghệ số, chuyển đổi số. Việt Nam cũng đang lấy chuyển đổi số làm mục tiêu thực hiện đến năm 2025 và các năm tiếp theo.

"Trí tuệ nhân tạo đang tác động lớn đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có thị trường lao động. Nó làm thay đổi lực lượng, cơ cấu lao động các ngành nghề và bắt buộc nguồn lực phải phù hợp với công cuộc chuyển đổi số. Điều này cũng dẫn đến các em học sinh phải chọn ngành nghề phù hợp để trở thành nguồn nhân lực phù hợp", ông Anh Tuấn nói.

Về xu hướng việc làm trong thời gian tới, ông Anh Tuấn nhận định sẽ đi theo 4 hướng chính, bao gồm: Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; Lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; Xu hướng lao động "khởi nghiệp, tự tạo việc làm" gia tăng.

68% công việc đòi hỏi kỹ năng số, học sinh chọn ngành học thế nào để ra trường không thất nghiệp?- Ảnh 4.

Học sinh thực hiện khảo sát tại chương trình tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: M.Q

Thị trường việc làm, đặc biệt là các khu đô thị tại TP.HCM sẽ gia tăng nền tảng công nghệ, gắn với công nghệ. Có 68% việc làm đã được đo lường là gắn với công nghệ. Một số lĩnh vực ngành nghề truyền thống sẽ bị giảm và mất đi, trong khi đó, nhiều việc làm tương tác với công nghệ sẽ mở ra. Tương ứng với điều này, nhiều người sẽ phải rời khỏi thị trường lao động và chỗ trống việc làm sẽ có rất nhiều. Điều quan trọng là các em có lựa chọn ngành học phù hợp để có đủ năng lực bước vào hay không.

"Dịch chuyển lao động trong thời gian tới cũng được dự báo là rất lớn, tạo ra cơ hội việc làm nhiều. Các em có thể đi làm nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hoặc các doanh nghiệp nước ngoài... nhưng tất nhiên điều bắt buộc là phải có những điều kiện đi kèm, không phải cứ có bằng cấp là làm được.

Các em phải đảm bảo năng lực nhất định ở từng vị trí việc làm, đảm bảo kỹ năng, thái độ, ngoại ngữ... Từ đó, các em có thể dịch chuyển lao động sang các nước khác vì là công dân toàn cầu; cũng có thể làm việc trực tiếp trên hệ thống điện tử...", ông Tuấn nói thêm.

68% công việc đòi hỏi kỹ năng số, học sinh chọn ngành học thế nào để ra trường không thất nghiệp?- Ảnh 5.

Công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường lao động tương lai. Ảnh: UIT

Bên cạnh đó, các em học sinh cũng có thể đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, đừng nghĩ xuất khẩu lao động là không cần học, bởi đó là ở tầm thấp. 

Ông Anh Tuấn đánh giá, hiện nay, việc xuất khẩu lao động đang chuyển đổi ở tầm thế giới, xuất khẩu lao động trình độ cao đẳng, đại học theo hình thức du học vừa học vừa làm để cạnh tranh với lao động thế giới ở nguồn nhân lực bậc cao. Nếu xuất khẩu lao động tầm thấp, các em vẫn có việc làm và thu nhập, nhưng khi trở về vẫn chỉ ở tầm thấp, không phù hợp với xu hướng, nhu cầu phát triển của xã hội.

Về xu hướng lao động "khởi nghiệp, tự tạo việc làm", ông Anh Tuấn cho biết có khoảng 30% các em có ước mơ nhưng chưa thực sự phát triển, dù chính sách quốc gia rất tốt đó là khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, trở thành người làm chủ, tạo doanh nghiệp riêng cho chính mình. Dù vậy, với xu hướng này đòi hỏi rất nhiều ở sự am hiểu thị trường, chấp nhận áp lực chứ không phải cứ có tiền là được.

Một điều quan trọng mà ông Anh Tuấn tư vấn cho học sinh đó là thái độ thể hiện qua tinh thần kỷ luật, sự nghiêm túc, đạo đức nghề nghiệp trong công việc. Đây là điều rất quan trọng nhưng rất nhiều người trẻ coi thường.

"Thế hệ trẻ bây giờ cứ cho rằng có lương cao, việc nhẹ nhàng là thành công. Thật ra cái thành công đó chỉ là nhất thời. Nếu các em không đảm bảo được uy tín xã hội, kỷ cương trong mọi lĩnh vực thì sẽ không thành công. Chưa kể, các em sẽ làm việc với các cỗ máy, công cụ... nếu thờ ơ, tự do, không có kỷ luật thì chắc chắn sẽ thất bại", ông Anh Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem